Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và Quy định mới về phí thẩm định cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại

1. Từ 15/8/2017, thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng
Ngày 21/6/2017 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 42 năm 2017 Quốc hội khóa 14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết 42 năm 2017 Quốc hội khóa 14  sẽ có hiệu lực từ ngày 15/8/2017 và được thực hiện thí điểm trong thời hạn 05 năm từ ngày có hiệu lực thi hành.
Cụ thể, Nghị quyết thí điểm xử lý nợ xấu tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các Tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng (VAMC), Ngân hàng chính sách.
Đồng thời, để xác định rõ phạm vi điều chỉnh, Nghị quyết đã quy định cụ thể tiêu chí, phạm vi, cách thức xác định một khoản nợ là nợ xấu được áp dụng các chính sách quy định tại Nghị quyết.
Theo Nghị quyết, phạm vi nợ xấu được xác định là các khoản nợ được hình thành trước ngày 15/08/2017 và được xác định là nợ xấu trước thời gian Nghị quyết có hiệu lực; Khoản nợ được hình thành trước ngày 15/08/2017 và được xác định là nợ xấu trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.
Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, Nghị quyết quy định phải bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
Đồng thời, phải phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết 42/2017/QH14 được coi là giải pháp trung hạn của Chính phủ, kỳ vọng sẽ tháo gỡ những nút thắt về xử lý nợ xấu, đặc biệt là tài sản đảm bảo, hỗ trợ không chỉ cho các ngân hàng mà cả thị trường bất động sản lẫn chứng khoán, doanh nghiệp.
2. Điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Vừa qua, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Quyết định số 1425/QĐ-NHNN ngày 7/7/2017 về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39 năm 2016 của Ngân hàng nhà nước ban hành ngày 30/12/2016.
Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 7%/năm xuống 6,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm.
Cùng ngày, Ngân hàng nhà nước cũng ban hành quyết định 1424 về về giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng. Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống 7,25%/năm.
Đây là một động thái cụ thể của NHNN nỗ lực giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
3. Quy định mới về phí thẩm định cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại
Từ ngày 1/8/2017, mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại được thực hiện theo quy định tại Thông tư 59 năm 2017 do Bộ Tài chính mới ban hành.
Thông tư quy định, người nộp phí là tổ chức, cá nhân đề nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện thẩm định cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại.
Người nộp phí thực hiện nộp phí thẩm định trong thời gian 10 ngày làm việc tính từ thời điểm nhận được văn bản chấp thuận vận hành thử nghiệm của cơ quan cấp phép. Phí nộp trực tiếp cho tổ chức thu phí hoặc nộp vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của tổ chức thu phí mở tại Kho bạc nhà nước.
Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thu phí thẩm định theo quy định. Mức thu phí thẩm định cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép xử lý chất thải nguy hại được quy định cụ thể với từng  hoạt động thẩm định ban hành kèm theo thông tư.
Tổ chức thu phí phải nộp 100% tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động thẩm định, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan nhà nước thuộc diện khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định thì được trích để lại 90% tổng số tiền phí thẩm định thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 10% vào ngân sách nhà nước.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2017.

Trần.T.M.Nguyệt