Điều kiện đầu tư dự án điện mặt trời, điều kiện mới về kinh doanh rượu và cho phép sử dụng tên quốc gia để đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài

1. Điều kiện đầu tư dự án điện mặt trời
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 16 năm 2017 quy định về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời; trong đó nêu rõ về điều kiện đầu tư dự án điện mặt trời nối lưới và dự án điện mặt trời trên mái nhà.
Theo đó, với dự án điện mặt trời nối lưới, chủ đầu tư chỉ được lập dự án có trong các Quy hoạch phát triển điện mặt trời hoặc Quy hoạch phát triển điện lực cấp tỉnh, cấp quốc gia được phê duyệt; Nội dung dự án phải đánh giá được ảnh hưởng của phương án đấu nối dự án điện mặt trời đối với hệ thống điện trong khu vực; Tỷ lệ vốn chủ sở hữu của các dự án điện mặt trời nối lưới không được thấp hơn 20% tổng mức vốn đầu tư; Diện tích sử dụng đất lâu dài không quá 1,2 ha/01 MWp…
Với dự án điện mặt trời trên mái nhà có công suất nhỏ hơn 01 MW, chủ đầu tư đăng ký đấu nối với Công ty điện lực cấp tỉnh các thông tin về công suất dự kiến, thông số kỹ thuật của tấm pin quang điện, thông số của bộ biến đổi điện xoay chiều. Với dự án có công suất từ 01 MW trở lên, chủ đầu tư thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch phát triển điện mặt trời và quy hoạch phát triển điện lực theo quy định…
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 26/10/2017. 
2. Điều kiện mới về kinh doanh rượu
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 105 năm 2017 về kinh doanh rượu. Theo đó, đối với hoạt động phân phối rượu, chủ thể kinh doanh phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật;
- Có kho hàng với tổng diện tích sàn từ 150m2 trở lên;
- Rượu kinh doanh phải đảm bảo an toàn thực phẩm;
- Có hệ thống phân phối ở 02 tỉnh/thành trở lên; tại mỗi tỉnh/thành phải có ít nhất 01 thương nhân bán buôn rượu
- Có văn bản giới thiệu hoặc hợp đồng nguyên tắc của thương nhân sản xuất rượu, phân phối rượu khác hoặc nhà cung cấp rượu ở nước ngoài;
- Tuân thủ đầy đủ quy định về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.
So với quy định hiện hành tại Nghị định 94 năm 2012/NĐ-CP thì Nghị định này đã bỏ quy định về điều kiện địa điểm kinh doanh, phương tiện vận tải, năng lực tài chính của doanh nghiệp kinh doanh phân phối rượu.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2017.
3. Cho phép sử dụng tên quốc gia để đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài
Chính phủ đã ra Nghị quyết số 91/NQ-CP về việc cấp phép sử dụng dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý thuộc phạm vi quốc gia. 
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép sử dụng chữ “Việt” hoặc “Việt Nam”, chữ tiếng Anh tương ứng “Viet” hoặc “Vietnam” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, dịch vụ quốc gia của Việt Nam tại nước ngoài. Trước mắt, sẽ cấp phép cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận đối với sản phẩm gạo của Việt Nam tại nước ngoài.
Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về việc sử dụng tên quốc gia, bao gồm dạng đầy đủ, rút ngắn, các chữ tiếng Anh tương ứng và các dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý thuộc phạm vi quốc gia trong việc đăng ký chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cho các sản phẩm dịch vụ tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Trần.T.M.Nguyệt


Các tin khác