Triển khai thi hành Luật Quản lý ngoại thương, Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại và Giám sát ngân hàng để phát hiện, cảnh báo các rủi ro

1. Triển khai thi hành Luật Quản lý ngoại thương
Nhằm triển khai thi hành Luật Quản lý ngoại thương kịp thời, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật này. Theo đó, năm 2017 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan có liên quan tổ chức quán triệt việc thi hành luật; tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật thông qua các chuyên mục, chương trình, tập huấn, biên soạn tài liệu và các hình thức khác theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật bằng các hình thức phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương và từng đối tượng, địa bàn Bên cạnh đó, tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động quản lý ngoại thương; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý ngoại thương.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng 5 Nghị định gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương; Nghị định quy định chi tiết về quản lý, phát triển thương mại biên giới; Nghị định quy định chi tiết các biện pháp phát triển ngoại thương; Nghị định quy định chi tiết các biện pháp phòng vệ thương mại; Nghị định quy định chi tiết về xuất xứ hàng hóa và chứng nhận xuất xứ hàng hóa. 5 Nghị định trên trình Chính phủ vào tháng 10/2017.
Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực liên quan đến ngoại thương; xây dựng, ban hành theo thẩm quyền Thông tư quy định Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra.
Luật Quản lý ngoại thương được Quốc hội Khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 03 năm 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.
2. Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 94/2017/NĐ-CP về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại. Theo đó có 20 hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại được quy định cụ thể trong nghị định.
Nghị định cũng nêu rõ, chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia. Cơ quan nhà nước có quyền thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại thông qua hình thức trực tiếp thực hiện hoặc chỉ định cho tổ chức, cá nhân thực hiện. Việc chỉ định phải do Thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bằng văn bản.
Hoạt động thương mại độc quyền nhà nước phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật. Bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền các cấp không được quy định hoạt động, hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện hoạt động thương mại độc quyền nhà nước. Đối với hàng hóa, dịch vụ, địa bàn phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2017.
3. Giám sát ngân hàng để phát hiện, cảnh báo các rủi ro
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 08/2017/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục giám sát ngân hàng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đo, giám sát ngân hàng phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, kịp thời; không làm cản trở hoạt động bình thường của đối tượng giám sát ngân hàng; kết hợp giám sát tuân thủ với giám sát rủi ro; kết hợp giám sát an toàn vi mô với giám sát an toàn vĩ mô.
Nội dung giám sát ngân hàng gồm: Thu thập, tổng hợp và xử lý tài liệu, thông tin, dữ liệu của đối tượng giám sát ngân hàng theo yêu cầu giám sát; xem xét, theo dõi tình hình chấp hành quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và các quy định khác của pháp luật có liên quan; việc thực hiện kết luận thanh tra và khuyến nghị, cảnh báo về giám sát ngân hàng của đối tượng giám sát ngân hàng. Bên cạnh đó, phân tích, đánh giá thường xuyên tình hình tài chính, hoạt động, quản trị, điều hành và mức độ rủi ro đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thực hiện xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời phát hiện, cảnh báo các yếu tố tác động, xu hướng biến động tiêu cực, rủi ro gây mất an toàn hoạt động, các rủi ro, nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật về tiền tệ và ngân hàng đối với từng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và hệ thống các tổ chức tín dụng; kiến nghị, đề xuất biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các rủi ro, vi phạm pháp luật của đối tượng giám sát ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Trần.T.M.Nguyệt


Các tin khác