Tại sao chúng ta cần hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa? Nhu cầu hỗ trợ pháp lý của các Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay như thế nào

Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới trên 97% tổng số các doanh nghiệp. Quy mô nhỏ và vừa, năng lực quản trị, năng lực sản xuất, năng lực pháp lý thấp, đồng nghĩa với đó là năng lực cạnh tranh thấp. Chính vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV, không thể thiếu việc nâng cao năng lực pháp lý. Đối với các doanh nghiệp lớn, vấn đề pháp lý đã quan trọng, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, vấn đề này lại càng quan trọng hơn. Bản tin "Kinh doanh và pháp luật" ngày 15/5/2017 với sự giúp đỡ đến từ TS. Nguyễn Thanh Tú - Vụ trưởng Vụ pháp luật dân sự kinh tế, Bộ Tư pháp, Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Thanh Tú, về cơ bản, ít nhất có 4 lý do chính  lý giải tại sao cần phải hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như sau:
Thứ nhất, thực tế DNNVV hiện nay chưa có đủ nguồn lực cũng như chưa sự hỗ trợ cần thiết để có thông tin pháp lý, kiến thức pháp lý phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Chính vì vậy, cần có nguồn lực của Nhà nước để hỗ trợ họ lớn hơn, mạnh hơn, đủ năng lực pháp lý để tự bơi trong thương trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Thứ hai, đây là nhu cầu của doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, Hiệp hội DNNVV, VCCI. Xuất phát từ chính thực tiễn khó khăn của DNNVV trong việc tiếp cận các thông tin pháp lý, các vấn đề pháp lý, vì vậy họ đã kiến nghị lên các cơ quan, trong đó có Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ/Ngành liên quan.
Thứ ba, trên thực tiễn, về vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chúng ta đã có Nghị định 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và có Chương trình 585 về hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp được triển khai từ năm 2010 đến nay đã đạt được những kết quả rất tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia đánh giá cao. Chính vì vậy, cần phải ghi nhận trong Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV để tiếp tục phát triển nội dung này trong tương lai gần.
Thứ tư, xuất phát từ kinh nghiệm quốc tế, ở các quốc gia, hiện nay người ta không hỗ trợ trực tiếp mà hỗ trợ gián tiếp thông tin, mà trọng tâm là hỗ trợ pháp lý cho DNNVV.
Là đơn vị chủ trì tổ chức một số Hội nghị, đối thoại lấy ý kiến về việc hoàn thiện chế định hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp Nhỏ và vừa trong Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ông Nguyễn Thanh Tú cho biết, Về nội dung hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức hai Hội nghị tọa đàm riêng về vấn đề này. Qua đó, cho thấy, tất cả các ý kiến của các đại biểu tại các Hội nghị, Hội thảo cũng như các cuộc họp do Bộ Tư pháp tổ chức đều rất đồng thuận, rất mong muốn có một chế định hỗ trợ pháp lý cho DNNVV trong Dự thảo Luật này.
Đối với Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ hai vào ngày 17/4/2017, tất cả đều đồng ý với các quy định hỗ trợ pháp lý trong Dự thảo Luật về mặt nguyên tắc, nội dung – tất nhiên, vẫn còn vấn đề về kỹ thuật lập pháp cụ thể cần hoàn thiện thêm. Nhưng về nội dung như vậy là đáp ứng. Đặc biệt, vì có thể phải triển khai chương trình cụ thể, nên trong Dự thảo Luật đã có quy định Chính phủ và Bộ Tư pháp sẽ có quy định chi tiết, cụ thể về vấn đề này sẽ triển khai trên thực tế trong tương lai. Vì vậy, theo tôi, với quy định này trong Dự thảo Luật hiện nay, cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu cũng như thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua.
Quý bạn đọc có thể trực tiếp theo dõi Bản tin "Kinh doanh và pháp luật" được phát sóng trên kênh VOV2 và VTV2 qua đường link: www.kinhdoanhvaphapluat.com

 


Vũ Hà Giang


Các tin khác