HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH 585 NĂM 2019 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2020

HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CHƯƠNG TRÌNH 585 NĂM 2019 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2020 Ngày 27/12/2019, tại Hà Nội, Ban Quản lý Chương trình 585 đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2019, xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019.

Tham dự Hội nghị là  hơn 100 đại biểu thuộc các Sở, ban, ngành, các tổ chức đại diện tại các địa phương trên cả nước. Với mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho Lãnh đạo, người quản lý doanh nghiệp, cán bộ pháp chế doanh nghiệp được đào tạo về kỹ năng, nghiệp vụ, đồng thời tăng cường năng lực cho tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và pháp chế các Sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, năm 2019, Chương trình 585 đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ đối với các hoạt động thuộc các dự án của Chương trình như: Tổ chức hội thảo, tọa đàm, hội nghị đối thoại về các chuyên đề pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; Tổ chức các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp; Xây dựng và phát sóng Chương trình phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp trên Đài Truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam; Thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; duy trì Mục trang tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.



Năm 2019, ngoài các hoạt động giao các đơn vị triển khai trên cả nước, Ban Quản lý Chương trình 585 còn chủ trì phối hợp với một số Bộ, ngành tổ chức 11  hoạt động điểm về Hội nghị đối thoại, lớp bồi dưỡng, tăng cường năng lực và đặc biệt là xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp thông qua việc khảo sát lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các luật sư, luật gia và các doanh nghiệp tại nhiều địa phương trên cả nước. Bao gồm: tổ chức các Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lấy ý kiến đánh giá về những vướng mắc, bất cập của pháp luật về quyền sở hữu và các quyền khác đối với tài sản; đối thoại về các giải pháp nâng cao chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng và chỉ số phá sản doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiêp trong thực thi pháp luật; hội nghị đối thoại lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động (sửa đổi); hội nghị đánh giá kết quả 10 năm triển khai hoạt động của Chương trình và xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn sau năm 2020 (trên cơ sở quy định của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP tại các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Bắc Giang. Ngoài các hội nghị đối thoại nêu trên, Ban Quản lý còn kết hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp, bồi dưỡng tăng cường năng lực cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp về các chủ đề: kỹ năng soạn thảo, đàm phán, ký kết hợp đồng, giải quyết tranh chấp hợp đồng; pháp luật về quản trị doanh nghiệp, pháp luật về hợp đồng trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0.
Các nội dung do Ban Quản lý Chương trình tổ chức thu hút được sự tham dự của các bộ, sở, ban ngành, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các luật sư, luật gia, các doanh nghiệp và nhận được nhiều ý kiến góp ý thiết thực góp phần hoàn thiện cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, thực hiện nhiệm vụ của bộ, ngành liên quan. Đối với các lớp bồi dưỡng thu hút được số lượng đông đảo các doanh nghiệp tới tham dự.
Ngoài ra, để đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chương trình 585 (giai đoạn 1 từ năm 2010-2014, giai đoạn 2 từ 2015-2020 và xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn sau năm 2020 trên cơ sở các quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ban Quản lý Chương trình đã tiến hành khảo sát qua phiếu tại nhiều địa phương trên cả nước, khảo sát online tại Mục thông tin điện tử của Chương trình. Phiếu khảo sát được tổng hợp, phân tích, đánh giá phục vụ việc triển khai hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian tới.
Năm 2019, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được triển khai đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc, trong đó, đã tập trung tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, TP. Cần Thơ, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, … và một số tỉnh được lựa chọn theo đặc thù vùng, miền trên cơ sở kết quả khảo sát về nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp thực hiện cuối năm 2018. Một số hoạt động được triển khai đã gây được tiếng vang, nhận được phản hồi tích cực từ dư luận xã hội, báo chí và đặc biệt là từ chính cộng đồng doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng trực tiếp của Chương trình 585 như: Chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV2), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV); hoạt động xây dựng, thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp tại một số địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; hoạt động tổ chức tọa đàm, hội nghị, hội thảo về các chuyên đề pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình cũng còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: Đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chủ yếu làm việc kiêm nhiệm (kể cả cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đang công tác ở Bộ Tư pháp, đơn vị giúp Chính phủ quản lý công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc) nên không có điều kiện đầu tư thời gian thỏa đáng cho công tác này nên số đơn vị tại địa phương được giao triển khai hoạt động của Chương trình còn thực hiện chưa đạt yêu cầu, chậm tiến độ; Cơ sở vật chất, phương tiện dành cho hoạt động hỗ trợ pháp lý chưa đáp ứng được yêu cầu, chế độ thù lao chưa thực sự khuyến khích và phát huy được tiềm năng của cán bộ trong công tác hỗ trợ pháp lý; kinh phí dành cho hoạt động này khá hạn hẹp nên các hoạt động còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp. Định mức kinh phí đối với một số hoạt động còn thấp dẫn đến khó khăn trong triển khai, đến năm 2019 nhưng nhiều địa phương chưa bố trí thỏa đáng kinh phí để phối hợp tổ chức các hoạt động theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở kết quả hoạt động năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Chương trình 585 có nhiệm vụ trọng tâm (ngoài việc tiếp tục tập trung triển khai các hoạt động thuộc các dự án của Chương trình) như: Phát huy hơn nữa vai trò của các Bộ, ngành, tổ chức trong việc phối hợp triển khai các hoạt động của Chương trình 585 lồng ghép các kế hoạch, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do các Bộ, ngành địa phương ban hành để tăng cường hiệu quả các hoạt động của Chương trình trong năm 2020, đặc biệt là chuẩn bị cho tổng kết giai đoạn 2 (giai đoạn năm 2015-2020) cũng như 10 năm triển khai Chương trình 585 (2010-2020); xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện sau năm 2020 trên cơ sở quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động thuộc các Dự án của Chương trình trong năm 2020 gắn với việc triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phối hợp Bộ Tài chính trong việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong việc lập dự toán, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Hỗ trợ bộ, ngành và địa phương triển khai Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, trong đó, tập trung xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP; đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương.
 

 

Phạm Nguyệt Hằng


Các tin khác