Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Đảng bộ Bộ Tư pháp

02/01/2020
Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Bộ Tư pháp là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, cần thiết của mỗi cán bộ, đảng viên. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, trong năm 2020 này chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là “Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đáp ứng yêu cầu giai đoạn cách mạng mới”.
1. Về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Đại đoàn kết dân tộc là một bộ phận quan trọng hợp thành trong hệ thống tư tưởng của Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Theo Hồ Chí Minh: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”.
Như vậy, đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh là đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, đoàn kết mọi thành viên trong đại gia đình dân tộc Việt Nam dù sống trong nước hay định cư ở nước ngoài thành một khối vững chắc trên cơ sở thống nhất về mục tiêu chung và những lợi ích căn bản.
Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề sống còn, quyết định thành công của cách mạng. Đó là chiến lược tập hợp mọi lực lượng nhằm hình thành và phát triển sức mạnh to lớn của toàn dân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù của dân tộc, của nhân dân. Theo Người, đoàn kết làm nên sức mạnh và là cội nguồn của mọi thành công: “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”; “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”.
Đại đoàn kết dân tộc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh không chỉ đơn giản là phương pháp tổ chức, tập hợp lực lượng, mà cao hơn là một bộ phận hữu cơ, một tư tưởng xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng, Người khẳng định: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại trong nhận thức mà được cụ thể hóa trong mọi bước đi, giai đoạn phát triển của cách mạng, Người nói: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc phải trên cơ sở lấy lợi ích tối cao của dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân lao động làm nền tảng, kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, bộ phận và toàn cục, giai cấp và dân tộc, quốc gia và quốc tế. Nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc tiếp tục được khẳng định: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác”., và sau này Người bổ sung thêm: “Trong sự nghiệp cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa, lao động trí óc có một vai trò quan trọng và vẻ vang; và công, nông, trí cần phải đoàn kết chặt chẽ chung thành một khối”.
Đại đoàn kết được xây dựng trên cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục đối với quần chúng nhân dân. Để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng tiến hành công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục quần chúng. Công tác tuyên truyền là một khoa học, nghệ thuật cách mạng, do vậy các tổ chức và cán bộ cách mạng phải không ngừng tìm tòi lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp để chuyển tải đường lối của Đảng một cách sâu rộng tới nhân dân.
2. Về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng: Phải dựa vào lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê nin để xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng, lý luận. Việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lê nin phải luôn luôn phù hợp với từng đối tượng. Việc vận dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê nin phải luôn luôn phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của nước ta trong từng thời kỳ. Trong quá trình hoạt động, Đảng ta phải chú ý học tập, kế thừa những kinh nghiệm tốt của các đảng cộng sản khác, đồng thời phải tổng kết kinh nghiệm của mình. Đảng ta phải tăng cường đấu tranh bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác – Lê nin.
Xây dựng Đảng về tổ chức, hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thật chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Sức mạnh của tổ chức liên quan chặt chẽ với nhau, mỗi cấp độ tổ chức có chức năng, nhiệm vụ riêng. Trong hệ thống tổ chức Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của chi bộ. Chi bộ là tổ chức hạt nhân, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng, là môi trường tu dưỡng, rèn luyện và cũng là nơi kiểm tra, giám sát đảng viên, chi bộ có vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa Đảng với quần chúng nhân dân.
Về công tác cán bộ, Người luôn quan tâm xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đức, có tài và nhận thức rất rõ vị trí, vai trò của người cán bộ trong sự nghiệp cách mạng. Theo Người: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ để đặt ra chính sách đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.
Đảng là đạo đức, là văn minh, nhờ đó Đảng mới trong sạch, vững mạnh. Trong 12 điều xây dựng Đảng chân chính cách mạng, Người nhấn mạnh, Đảng là một tổ chức cách mạng chứ không phải tổ chức để “làm quan phát tài”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí của một người cán bộ tốt, đó là người cán bộ đó phải vừa có đức, vừa có tài, trong đó đạo đức là gốc: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì có tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy sức mạnh khối đại toàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Bảo đảm pháp luật vừa là công cụ để Nhà nước quản lý xã hội vừa là công cụ để nhân dân làm chủ, kiểm tra, giám sát quyền lực nhà nước. Quản lý đất nước theo pháp luật, đồng thời coi trọng xây dựng nền tảng đạo đức xã hội. Bãi bỏ những thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công vụ của cán bộ, công chức.
Củng cố, tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Mặt trận tổ quốc đóng vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động nhân dân, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Hoàn thiện, cụ thể hóa, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khắc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.
3. Một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong Đảng bộ Bộ Tư pháp
a. Đối với các tổ chức đảng, đơn vị thuộc Bộ
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW nhất là việc triển khai thực hiện chuyên đề năm 2020 nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc tổ chức thực hiện Chỉ thị.
Hai là, tập trung việc triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước CHXHCN Việt Nam.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp với Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Bộ, Ngành Tư pháp do Đảng và Nhà nước giao.
Bốn là, tổ chức tốt đại hội đảng bộ các cấp, thông qua đại hội nhằm tăng cường công tác xây dựng đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm là, đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền gương “người tốt, việc tốt”, tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác; thường xuyên quan tâm, phát hiện, khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Sáu là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái trong đội ngũ cán bộ. Thực hiện tốt Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
b. Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động
- Chủ động, tích cực trong thực hiện các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường;
- Nói đi đôi với làm, tạo uy tín tốt trong Nhân dân, làm gương để Nhân dân noi theo; tiền phong, gương mẫu, có trách nhiệm và chịu trách nhiệm cao nhất trong công việc và cuộc sống.
- Đề cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên theo Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 06-7-2012 của Ban Bí thư khóa XI,  Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân, của Quốc gia – dân tộc. Không làm bất cứ việc gì có hại cho Đảng, cho đất nước và Nhân dân. Lấy ấm no, hạnh phúc và sự hài lòng của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.
- Chủ động nắm bắt tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và có biện pháp giải quyết kịp thời.
- Thực hiện đúng các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hành công vụ, trong quan hệ với Nhân dân. Tích cực tham gia các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, con người do Đảng, Nhà nước đề ra, làm gương và giúp đỡ Nhân dân xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, trong cộng đồng.
- Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, tiêu cực; tự giác cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; vận động Nhân dân cùng tham gia. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Để khuyên người ta làm, thì mình phải làm gương trước”.
- Toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp kiên trì thực hiện, giữ vững 05 chuẩn mực đạo đức sau:
1. Với Tổ quốc – Trung thành, phấn đấu vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2. Với Nhân dân – Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân, phục vụ Nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân.
3. Với công tác tư pháp – Trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư.
4. Với đồng nghiệp – Đoàn kết, thân ái, hợp tác, cùng tiến bộ.
5. Với bản thân – Nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, thượng tôn pháp luật.
Nguyễn Kim Tinh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Tư pháp