Khảo sát thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xử lý vi phạm hành chính tại thành phố Đà Nẵng

29/05/2015
Khảo sát thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xử lý vi phạm hành chính tại thành phố Đà Nẵng
Thực hiện Quyết định số 742/QĐ-BTP ngày 20/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch khảo sát thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xử lý vi phạm hành chính, sáng ngày 25/5/2015, Đoàn công tác liên ngành khảo sát thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xử lý vi phạm hành chính do đồng chí Lê Thanh Bình -  Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm  hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (QLXLVPHC&TDTHPL) làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với các ban ngành của thành phố Đà Nẵng Trung tâm hành chính thành phố. Tham dự đoàn khảo sát liên ngành có đồng chí Trương Hồng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Cục Công nghệ thông tin). 
 

Đồng chí Phan Thanh Long – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng cùng các đồng chí đại diện các cơ quan hữu quan của Thành phố, bao gồm: Công an thành phố Đà Nẵng (Phòng Pháp chế, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Quản lý TTATXH, Phòng Cảnh sát kinh tế), Chi cục Quản lý thị trường Đà Nẵng, Cục thuế Đà Nẵng, Cục Hải quan Đà Nẵng, UBND Quận Hải Châu, UBND Quận Liên Chiểu, UBND huyện Cẩm Lệ, UBND huyện Hòa Vang, … và đại diện các phòng ban của Sở Tư pháp Đà Nẵng đã làm việc với Đoàn khảo sát.

Tại buổi làm việc, đại diện các Sở/ban ngành của thành phố Đà Nẵng cùng với đoàn khảo sát đã trao đổi, thảo luận về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác XLVPHC của thành phố, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu như: cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin của thành phố; nhu cầu về cơ sở dữ liệu về XLVPHC để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; về nguồn nhân lực để duy trì hoạt động của cơ sở dữ liệu về XLVPHC sau khi được xây dựng và đi vào hoạt động; các khó khăn vướng mắc của địa phương trong việc xây dựng, triển khai, duy trì và khai thác ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công tác XLVPHC.

 

 

Tổng số cán bộ, công chức của cơ quan tham gia vào công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 1.196 người (bao gồm cả xử lý vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp xử lý hành chính). Trong đó, tổng số cán bộ, công chức tham gia vào công tác xử lý vi phạm hành chính được trang bị máy tính là 549. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng chưa ứng dụng phần mềm quản lý chuyên ngành trong công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính. Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện các ban/ngành của thành phố Đà Nẵng cho biết, việc lưu tài liệu về xử lý vi phạm hành chính hiện nay mới chỉ thực hiện trên hồ sơ giấy nên rất khó khăn trong việc tìm kiếm, tra cứu và báo cáo tổng hợp. Kết thúc buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng đề xuất việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo mô hình lưu dữ liệu tập trung tại Bộ Tư pháp để các Bộ, Sở, ban ngành cùng kết nối, chia sẻ thông tin và dùng chung cơ sở dữ liệu. Đồng thời, cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính cần kết nối, chia sẻ dữ liệu được với  về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hộ tịch.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL đánh giá cao nội dung và hiệu quả của buổi làm việc. Theo đó, trong thời gian tới, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật và UBND thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục phối hợp, trao đổi kinh nghiệm về việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng CSDLQG XLVPHC và các hoạt động khác trong quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động  thực tiễn trong lĩnh vực này.  

Cục QLXLVPHC&TDTHPL