Khảo sát thực trạng ứng dụng CNTT vào công tác XLVPHC tại Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính

20/05/2015
Khảo sát thực trạng ứng dụng CNTT vào công tác XLVPHC tại Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính
Thực hiện Quyết định số 742/QĐ-BTP ngày 20/4/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch khảo sát thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xử lý vi phạm hành chính, sáng ngày 19/5/2015, Đoàn công tác liên ngành khảo sát thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác xử lý vi phạm hành chính do đồng chí Đặng Thanh Sơn-  Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm  hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (QLXLVPHC&TDTHPL) làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với đại diện các đơn vị liên quan thuộc Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính.

Tham dự đoàn khảo sát liên ngành có đồng chí Trần Thị Huyền Nga, Hàm Vụ Phó Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; đồng chí Lê Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Bộ Tư pháp, đại diện Vụ Pháp chế các Bộ: Tài chính; Kế hoạch và đầu tư; Công an; Nội vụ; Thông tin và truyền thông, đại diện  một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp (Cục QLXLVPHC&TDTHPL, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Cục Công nghệ thông tin, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính). 

Về phía Tổng cục Hải quan, có đồng chí Phùng Thị Bích Hường – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, đồng chí Vũ Văn Hải – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, đồng chí Bùi Thái Quang - Phó Trưởng Ban Quản lý rủi ro, và các đồng chí Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các phòng liên quan đến công tác xử lý vi phạm hành chính, tổ chức cán bộ, công nghệ thông tin, thanh tra cùng tham dự buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đồng chí Đặng Thanh Sơn, Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL cho biết nhiệm vụ xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia xử lý vi phạm hành chính là nhiệm vụ mới và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai để sớm thực hiện tốt công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, lần đầu tiên được quy định trong một văn bản có giá trị pháp lý cao, đó là Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật XLVPHC). Nhiệm vụ này trong Luật XLVPHC được xây dựng trên cơ sở Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tại điểm 2.7 mục 2 (Phần II) có quy định: “Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp”; Quyết định 1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 215, Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 Chính phủ điện tử Việt Nam trở thành loại khá trên thế giới.

   

Bên cạnh đó, việc xây dựng, quản lý CSDLQG XLVPHC còn xuất phát từ thực tiễn quản lý nhà nước đối với công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trong giai đoạn hiện nay. Luật XLVPHC là đạo luật có nội dung lớn, phức tạp, liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của rất nhiều cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Mặt khác, việc XPVPHC và áp dụng các biện pháp xử lý hành chính như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn liên quan trực tiếp đến quyền tự do, dân chủ của công dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Có thể khẳng định việc triển khai thi hành Luật XLVPHC tác động đến hầu hết các chủ thể trong xã hội. Điều này đòi hỏi phải xây dựng, quản lý, sử dụng và khai thác CSDLQG XLVPHC với mục đích theo dõi, nắm bắt số lượng, tính chất mức độ và xu hướng phổ biến của các hành vi vi phạm hành chính phục vụ cho việc xác định tái phạm vi phạm hành chính, phục vụ cho công tác truy cứu trách nhiệm hình sự (đối với các hành vi phạm tội mà theo quy định trong Bộ luật Hình sự thì trước đó đã bị XPVPHC); theo dõi, nắm bắt việc xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Luật XLVPHC và các văn bản quy định chi tiết thi hành...

Theo ông Lê Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL, thì hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề thuộc nội dung dự thảo Đề án xây dựng CSDLQG XLVPHC cần tiếp tục được làm rõ thêm thông qua công tác khảo sát, chẳng hạn như: việc thiết kế mô hình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính theo mô hình tập trung hay phân tán, Thông tin đầu vào của CSDLQG XLVPHC bao gồm những thông tin gì...

Bà Phùng Thị Bích Hường – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan cho biết, theo sự phân công của Lãnh đạo Tổng cục Hải quan về việc thực hiện nâng cấp Cơ sở dữ liệu quản lý vi phạm, Ban Quản lý rủi ro hải quan thuộc Tổng Cục Hải quan đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Vụ Pháp chế và Công ty Hệ thống phần mềm FPT triển khai xây dựng, nâng cấp Hệ thống thông tin quản lý vi phạm hải quan, quản lý tập trung tại Tổng cục. Ông Bùi Thái Quang - Phó Trưởng Ban Quản lý rủi ro hải quan cho biết thêm, hiện tại, Ban Quản lý rủi ro thuộc Tổng Cục  Hải quan đã xây dựng và hoàn thiện Hệ thống thông tin quản lý vi phạm hải quan (gọi là hệ thống QLVP 14). Ngày 28/3/2014, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ký Quyết định số 1002/QĐ-TCHQ ban hành Quy chế thu thập, cập nhật, quản lý, ứng dụng thông tin vi phạm pháp luật của người thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh. Hệ thống thông tin quản lý vi phạm hải quan được triển khai thống nhất trên toàn quốc từ ngày 01/4/2014 phục vụ việc cập nhật, quản lý, khai thác CSDL vi phạm hải quan toàn ngành.

Đoàn khảo sát liên ngành thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác XLVPHC cũng đã thăm quan thực tế hệ thống cơ sở dữ liệu vi phạm hải quan toàn ngành, trực tiếp trao đổi, thảo luận về thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý vi phạm hành chính của ngành Hải quan, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

- Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính của ngành Hải quan.

- Quy trình xử lý thông tin của các vụ việc vi phạm hành chính: (i) Quá trình nhập thông tin; (ii) Quá trình lưu trữ thông tin; (iii) Quá trình cập nhật thông tin; (iv) Quá trình khai thác thông tin.

- Cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin trong toàn ngành;

- Nguồn nhân lực để duy trì hoạt động của hệ thống;

- Các khó khăn vướng mắc trong việc xây dựng, triển khai, duy trì và khai thác ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng CSDL quản lý xử lý vi phạm hải quan;

- Nhu cầu sử dụng thông tin hỗ trợ cho việc ra các quyết định xử phạt vi phạm hải quan.

Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Cục trưởng Cục QLXLVPHC&TDTHPL đánh giá cao nội dung và hiệu quả của buổi làm việc. Theo đó, trong thời gian tới, Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật và Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục phối hợp, trao đổi kinh nghiệm về việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng CSDLQG XLVPHC và các hoạt động khác trong quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động  thực tiễn trong lĩnh vực này.   

                                Cục QLXLVPHC&TDTHPL