“Mạnh tay” khi quy định mức phạt
Chỉ còn không đầy 2 tháng nữa, Luật XLVPHC sẽ có hiệu lực, nhưng đến nay chưa có Nghị định nào quy định chi tiết thi hành Luật này có “dấu hiệu” sẽ được ban hành đúng giờ “G”. Sẽ cần đến 57 Nghị định để Luật XLVPHC “được triển khai trên thực tế” mà Bộ Tư pháp mới tổ chức thẩm định được 47 dự thảo Nghị định. Một vấn đề nổi lên qua quá trình thẩm định mà Bộ Tư pháp nhận thấy là “nhiều dự thảo quy định mức phạt tiền nói chung còn cao”. Lý giải của một số Bộ, ngành (chủ trì việc soạn thảo các Nghị định) về việc tăng mức phạt trong các dự thảo Nghị định là “mức phạt tối đa trong các lĩnh vực nâng lên so với quy định hiện hành nên mức phạt hành vi vi phạm cũng phải được nâng lên”.
Theo Luật XLVPHC, mức phạt đối với cá nhân có hành vi VPHC thấp nhất là 50 nghìn đồng và cao nhất là 1 tỷ đồng (đối với tổ chức, Luật quy định mức phạt gấp đôi so với mức phạt cá nhân). Song hầu như các dự thảo Nghị định “không quan tâm” đến mức phạt tối thiểu 50 nghìn đồng mà “đa phần có sự điều chỉnh tăng mức phạt gấp nhiều lần so với quy định hiện hành” – Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) nhận xét. Như Bộ Công thương đề xuất mức phạt từ 500 nghìn đồng đến 100 triệu đồng đối với các VPHC trong hoạt động thương mại, Bộ Khoa học & công nghệ đề xuất khung phạt tiền từ 1 triệu đến 500 triệu đồng đối với các VPHC trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, Bộ Y tế đề xuất mức phạt từ 500 nghìn đến 200 triệu đồng đối với các VPHC trong lĩnh vực y tế….
Không chỉ có vậy, các Bộ, ngành còn tỏ ra “thích” áp dụng các hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn, tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm với việc quy định các hình thức xử phạt này bất chấp hành vi VPHC bị xử lý đã đến mức “nghiêm trọng đối với các hoạt động được ghi trên giấy phép, chứng chỉ hành nghề”. Thậm chí, nhiều dự thảo Nghị định vẫn “hoài cổ” khi quy định các hình thức xử phạt đó là hình thức xử phạt bổ sung kèm theo phạt tiền như trong dự thảo Nghị định XLVPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt….
Bên cạnh đó, một số dự thảo Nghị định vẫn chưa có sự phân định thẩm quyền xử phạt theo hành vi mà chủ yếu chỉ chép lại quy định của Luật XLVPHC hoặc quy định chung chung về thẩm quyền xử phạt của các lực lượng khác. “Cách quy định như vậy chưa bảo đảm tính minh bạch, sẽ gây khó khăn, lúng túng trong áp dụng xử phạt khi văn bản được ban hành” - Bộ Tư pháp nhận định.
Mức phạt phải phù hợp mức thu nhập
Mức phạt bị coi là “nhẹ”, không đủ sức răn đe đối với xã hội như khi áp dụng Pháp lệnh XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành thời gian qua cũng không đồng nghĩa với việc quy định có tính khả thi. Thực tế không phải VPHC nào cũng có thể thực hiện xử phạt được đúng quy định pháp luật, đạt được sự “tâm phục khẩu phục” của người vi phạm và dư luận xã hội. Vì thế, với mức phạt cao như đề xuất của Bộ, ngành hiện nay, lo ngại về “tính khả thi” của các quy định càng hiện hữu.
Một chuyên gia từng bảy tỏ, “đối với đồng bào dân tộc, người dân ở vùng sâu vùng xa, cả ngày họ không kiếm nổi 10 nghìn đồng tiền mặt thì 50 nghìn đồng lại là số tiền không nhỏ. Nếu quy định “ngất ngưởng” như các dự thảo thì người dân lấy đâu ra tiền nộp phạt. Chỉ thế cũng đã thấy các quy định đó thiếu điều kiện để thi hành”. Như vậy, quy định mức phạt quá cao sẽ là trở ngại cho quá trình thực thi.
Với những trăn trở trước tính khả thi của các dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật XLVPHC, nhất là đối với những quy định về mức XPHC, Bộ Tư pháp kiến nghị 3 căn cứ để xây dựng các quy định về hình thức xử phạt, mức xử phạt đối với từng hành vi VPHC trong các dự thảo Nghị định là “các yếu tố tính chất mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi vi phạm; mức thu nhập, mức sống trung bình hiện nay của người dân; và mức độ giáo dục răn đe và tính hợp lý, tính khả thi của việc áp dụng hình thức, mức phạt”./.
Huy Anh