Họp hội đồng tư vấn thẩm định “Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính hoạt động thương mại”

06/06/2013
Họp hội đồng tư vấn thẩm định “Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính hoạt động thương mại”
Ngày 05/6/2013, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp hội đồng tư vấn thẩm định đối với  dự thảo “Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính hoạt động thương mại” do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 6/2013.

Đây là một trong những Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính có nội dung tương đối phức tạp, số lượng hành vi vi phạm lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, ngành. Dự thảo Nghị định dự kiến được ban hành sẽ thay thế 06 Nghị định quy định xử phạt hành chính hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước như Nghị định số 06/2008/NĐ-CP; Nghị định số 107/2008/NĐ-CP; Nghị định số 06/2009/NĐ-CP; Nghị định số 19/2012/NĐ-CP; Nghị định số 08/2013/NĐ-CP…    

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hồng Sơn đã tham dự và chủ trì cuộc họp, các thành viên hội đồng tư vấn bao gồm đại diện của các cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch đầu tư; một số chuyên gia của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Nội dung cuộc họp tập trung thẩm định về tính hợp Hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Nghị định trong hệ thống pháp luật hiện hành; tính khả thi của Dự thảo Nghị định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008.

Tại cuộc họp, đa số các thành viên Hội đồng đều có ý kiến về tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo Nghị định trong hệ thống Nghị định quy định xử phạt hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Các ý kiến cho rằng nhiều hành vi vi phạm hành chính quy định tại dự thảo hiện đang có sự chồng chéo, trùng lặp với các hành vi vi phạm được quy định trong các Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; y tế, văn hóa, thể thao và du lịch; quảng cáo; an ninh trật tự, an toàn xã hội….

 

Việc áp dụng các hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật phương tiện vi phạm hành chính. Theo quy định của Luật XLVPHC, các hình thức xử phạt này có thể được quy định là hình thức xử phạt chính hoặc bổ sung. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật XLVPHC và biện pháp thi hành cũng đã có quy định cụ thể về trường hợp các hình thức xử phạt trên là hình thức xử phạt chính. Cụ thể, nếu thời hạn tước hoặc đình chỉ hoạt động từ 04 tháng đến 24 tháng thì phải quy định tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn là hình thức xử phạt chính; trường hợp giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm bằng hoặc cao hơn mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó thì phải quy định tịch thu tang vật phương tiện vi phạm là hình thức xử phạt chính. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định quy định áp dụng các hình thức xử phạt này chủ yếu là hình xử phạt bổ sung, hình thức xử phạt chính vẫn là hình thức phạt tiền.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, dự thảo Nghị định chưa quy định cụ thể thẩm quyền xử phạt của các lực lượng tham gia xử phạt, dẫn đến việc khó áp dụng xử phạt trong thực tiễn. Bên cạnh đó, số lượng hành vi vi phạm quy định tại dự thảo tương đối lớn, phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của nhiều Bộ, ngành, do đó nếu dự thảo không phân định rõ thẩm quyền lập biên bản của các lực lượng sẽ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng của hoạt động phát hiện, thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm.  

Phát biểu kết thúc cuộc họp Thứ trưởng Lê Hồng Sơn đánh giá cao sự tham gia đóng góp ý kiến của Thành viên hội đồng, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các ý kiến đóng góp tại cuộc họp sẽ được tổng hợp đầy đủ và là nguồn tư liệu quý báu để phục vụ cho Bộ Tư pháp trong quá trình thẩm định.