Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp: Tổ chức vi phạm nộp phạt gấp đôi cá nhân

05/04/2013
Dự thảo Nghị định Xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp được soạn thảo để thay thế cho Nghị định số 60/2009/NĐ-CP, Nghị định số 10/2009/NĐ-CP, Nghị định số 87/2001/NĐ-CP để bảo đảm các yêu cầu về tính hợp Hiến, hợp pháp, phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Luật chuyên ngành; đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tư pháp trong tình hình mới.

Thống nhất để “lấp những lỗ hổng về pháp lý”

Theo đánh giá của Ban soạn thảo, dự thảo Nghị định này sẽ “lấp những lỗ hổng về pháp lý” từ một số tồn tại, bất cập phát sinh từ nội dung của các Nghị định đang có hiệu lực như thiếu một số hành vi cần phải xử phạt phát sinh trong thực tiễn, mức tiền phạt còn thấp nên không bảo đảm tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa… và phân tán trong nhiều văn bản, khó cho quá trình áp dụng và thống nhất quản lý.

Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp, gồm vi phạm quy định về bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, quá trình tiến hành thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, áp dụng cho cả các tổ chức là văn phòng luật sư, công ty luật; trung tâm tư vấn pháp luật; phòng công chứng, văn phòng công chứng; trung tâm bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp bán đấu giá tài sản; Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; văn phòng con nuôi nước ngoài; văn phòng thừa phát lại.

Có quan điểm cho rằng không nên quy định Phòng Công chứng và Trung tâm Bán đấu giá tài sản là một trong những đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính vì đây là các đơn vị sự nghiệp thuộc khối cơ quan Nhà nước. Nhưng Bộ Tư pháp cho rằng, để đảm bảo bình đẳng trong hoạt động giữa các tổ chức hành nghề trong cùng một lĩnh vực như: giữa Văn phòng công chứng với Phòng Công chứng, giữa Trung tâm Bán đấu giá tài sản với Doanh nghiệp bán đấu giá tài sản.... nên các tổ chức này vẫn phải là đối tượng áp dụng của Nghị định.

Dự thảo Nghị định cũng quy định mức phạt tiền đối với tổ chức sẽ gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ một số quy định của Nghị định chỉ áp dụng xử phạt đối với các tổ chức.

Mọi hành vi vi phạm hành chính đều bị xử lý”

Đó là một trong những cơ sở để Bộ Tư pháp quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động thừa phát lại vào dự thảo Nghị định. Thực tế, quá trình soạn thảo Nghị định này luôn gặp 2 quan điểm “trái chiều nhau” về vấn đề này. Một số chuyên gia cho rằng, cần chờ tổng kết công tác thí điểm Thừa phát lại, có những quy định cụ thể mới đưa vào Nghị định bằng các quy định bổ sung hoặc quy định mới. Song, theo nhiều chuyên gia và cũng là quan điểm của Bộ Tư pháp, căn cứ vào quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì có thể xem xét đưa ra quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động thừa phát lại vào Nghị định.

Một nội dung khác được tranh luận khá “gay gắt” trong quá trình soạn thảo Nghị định là không nên đưa nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản vào làm một trong những nội dung quy định tại Nghị định vì theo một số ý kiến, lĩnh vực phá sản là lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Nếu “đặt” trong Nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp thì không đảm bảo phù hợp với lý luận và thực tiễn mà nên đề nghị Tòa án nhân dân tối cao đưa vào làm một trong các nội dung trong lĩnh vực khác.

Song Bộ Tư pháp nhận thấy, trên cơ sở lý luận và thực tiễn, quan điểm trên là phù hợp căn cứ vào Khoản 2, Điều 93, Luật Phá sản và Quyết định số 1473/QĐ-TTg (ngày 05/10/2012) của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính./.

H.Giang