Vẫn không có biện pháp giáo dục đặc thù với từng đối tượng
Tương tự Pháp lệnh XLVPHC, trình tự, thủ tục lập hồ sơ, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn cũng có 3 giai đoạn với việc bổ sung các quy định bảo đảm quy trình thực hiện minh bạch, dân chủ hơn cũng như bảo đảm cho người bị xem xét, áp dụng biện pháp XLHC và đại diện hợp pháp của họ có cơ hội được giải thích, biện hộ, bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Có điều, trong khi đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn rất đa dạng thì Luật năm 2012 vẫn đi theo “vết xe đổ” của Pháp lệnh năm 2002 và các văn bản liên quan là không quy định các biện pháp giáo dục đối với từng loại đối tượng.
Việc không có các biện pháp giáo dục đặc thù với các đối tượng được giáo dục ảnh hưởng đến hiệu quả áp dụng biện pháp này. Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường dẫn chứng: Nghị định số 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng quy định các hình thức cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc, trong đó quy trình cai nghiện được quy định tương đối chi tiết. Tuy nhiên, Nghị định 94 lại quy định biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng không áp dụng đối với người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. “Vô hình chung, Nghị định 94 đã hạn chế cơ hội của những người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn được cai nghiện một cách “bài bản” hơn tại cộng đồng theo quy định của pháp luật phòng, chống ma túy” – ông Cường nhận xét.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng cũng cho rằng Luật còn “bỏ ngỏ” một số vấn đề. Chẳng hạn, quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật XLVPHC “nếu đối tượng không có nơi cư trú ổn định thì giao cho cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý giáo dục” được hiểu là việc này sẽ được thực hiện sau khi có quyết định áp dụng biện pháp giáo dục. “Vậy trong quá trình chờ quyết định, các đối tượng sẽ ở đâu; ai có thẩm quyền quyết định và quyết định mang tính pháp lý ra sao…” – ông Hồng đặt ra hàng loạt câu hỏi và kiến nghị văn bản hướng dẫn tới đây phải quy định cụ thể nếu không sẽ không thể áp dụng được.
Nhiều khi hoàn cảnh gia đình là nguyên nhân sâu xa!
Theo các chuyên gia, Luật XLVPHC chuyển thẩm quyền quyết định áp dụng 3 biện pháp XLHC (đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) từ cơ quan hành chính sang TAND thực sự là nội dung thay đổi rất lớn, thể hiện xu hướng tiến bộ, dân chủ. Việc chuyển giao thẩm quyền quyết định sang cơ quan tư pháp dẫn đến quy trình áp dụng hoàn toàn khác so với quy trình đã và đang được áp dụng. Đặc biệt, một trong những yêu cầu đặt ra là phải có trình tự, thủ tục riêng đối với người chưa thành niên (NCTN).
Điều 92 Luật XLVPHC liệt kê hàng loạt các trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, trong đó đề cập nhiều đến yếu tố lỗi. Cụ thể là, người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật Hình sự; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự mà trước đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Vì vậy, cho dù nhận định việc ban hành Luật XLVPHC là bước tiến lớn theo hướng hài hòa giữa pháp luật Việt Nam với chuẩn mực quốc tế nhưng đại diện UNICEF – bà Nguyễn Thanh Trúc rất băn khoăn bởi việc chứng minh yếu tố lỗi của những em này là rất khó khăn, đòi hỏi phải được hướng dẫn thật cụ thể.
Chia sẻ băn khoăn của bà Trúc, GS. Carolyn Hamilton (Trung tâm Pháp luật trẻ em Coram, Anh) nhấn mạnh, điều quan trọng trong áp dụng các biện pháp XLHC đối với NCTN là đảm bảo công bằng, công khai và nếu phải áp dụng biện pháp cuối cùng là “giam giữ” thì cần làm sao để NCTN tái hòa nhập cộng đồng một cách tốt nhất. Đồng tình với đề xuất của bà Trúc, GS. Hamilton cũng kiến nghị Việt Nam cần có văn bản quy định hướng dẫn chi tiết việc áp dụng thủ tục tố tụng đối với NCTN, trẻ em và các thủ tục ấy sẽ giúp đỡ các đối tượng ra sao, ở mức độ nào khi mà “hành vi của trẻ em, NCTN thường xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là hoàn cảnh gia đình”.
Cẩm Vân
Các biện pháp XLHC áp dụng đối với cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bao gồm biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong đó, mặc dù thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn vẫn giữ nguyên là Chủ tịch UBND cấp xã như Pháp lệnh XLVPHC năm 2002 song thủ tục xem xét, quyết định và thi hành biện pháp được quy định theo hướng bảo đảm công khai, minh bạch và dân chủ. Còn 3 biện pháp sau sẽ do TAND quyết định thì đây là một vấn đề hoàn toàn mới, mang tính cải cách mạnh mẽ trong pháp luật Việt Nam. |