Sáng nay - 11/3, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ - Trưởng ban soạn thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp đã chủ trì Hội nghị lấy ý kiến các đối tượng tác động đối với dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp với sự tham gia của đại diện Sở Tư pháp một số tỉnh phía Bắc, các Phòng Tư pháp quận, huyện, tổ chức hành nghề công chứng, luật sư trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Ông Nguyễn Thắng Lợi (Phó Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp) cho biết, bên cạnh những hành vi đã quy định tại Nghị định số 60/2009/NĐ-CP, dự thảo Nghị định đã bỏ một số hành vi không còn phù hợp, sửa đổi, bổ sung một số hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.
Qua quá trình lấy ý kiến, vẫn còn những vấn đề đang gây tranh cãi, trong đó có ý kiến cho rằng không nên đưa nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản vào làm một trong những nội dung quy định tại Nghị định vì cho rằng lĩnh vực phá sản là lĩnh vực thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND.
Tuy nhiên Bộ Tư pháp vẫn tiếp tục quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản tại dự thảo Nghị định vì Luật Phá sản giao Chính phủ quy định việc xử phạt hành chính và mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp xây dựng Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp bao gồm gồm nội dung 3 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP, Nghị định 10/2009/NĐ-CP; Nghị định số 87/2001/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp vẫn quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động thừa phát lại trên cơ sở nguyên tắc mọi hành vi vi phạm hành chính đều bị xử lý. Đồng thời, để đảm bảo bình đẳng trong hoạt động giữa các tổ chức hành nghề trong cùng một lĩnh vực nên dự thảo Nghị định vẫn quy định Phòng Công chứng, Trung tâm Bán đấu giá tài sản vào những đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trên cơ sở dự thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến về những quy định cụ thể, trong đó đề nghị tách, bổ sung thêm một số hành vi trong lĩnh vực hộ tịch để xử phạt, tăng mức phạt nhất là đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực bán đấu giá, xem xét lại thẩm quyền xử phạt của cán bộ làm công tác tư pháp cơ sở…
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cho biết, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các đối tượng tác động về nội dung dự thảo Nghị định để Nghị định bảo đảm các yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Luật chuyên ngành; đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tư pháp trong tình hình mới là vấn đề cấp bách và cần thiết. Thứ trưởng yêu cầu tổ biên tập, các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục góp ý, chỉnh lý dự thảo Nghị định để trình Chính phủ cho ý kiến vào tháng 4./.
H.Giang, ảnh Cục CNTT
Huệ Hương