Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp: Chỉ phát hiện và xử phạt được 6/14 lĩnh vực

05/02/2013
Ngày 4/02, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Phạm Quý Tỵ, Ban soạn thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực tư pháp (Bộ Tư pháp) đã tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành các Nghị định số 60/2009/NĐ-CP; Nghị định số 87/2001/NĐ-CP và Nghị định số 10/2009/NĐ-CP.

Việc tổng kết nhằm đánh giá những ưu điểm, chỉ ra những tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân, trên cơ sở đó đưa ra những kiến nghị cho việc xây dựng Nghị định mới theo Quyết định số 1473/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch triển khai và Danh mục Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xử lý VPHC.

Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp Hà Kế Vinh – Phó Trưởng Ban soạn thảo – khẳng định: Việc Chính phủ ban hành 3 Nghị định quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực tư pháp; hôn nhân gia đình; quá trình tiến hành thủ tục phá sản đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc đấu tranh phòng, chống các hành vi VPHC, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này.

Đặc biệt, trong triển khai Nghị định số 60, các cơ quan thanh tra tư pháp (Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở) đã thực thi trách nhiệm thanh tra, xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tư pháp. “Việc xử phạt theo quy định tại Nghị định số 60 từng bước được hình thành và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý. Các tổ chức, cá nhân hoạt động hoặc tham gia vào các hoạt động trong các lĩnh vực do Bộ Tư pháp quản lý đã có ý thức hơn trong việc thực hiện các quy định pháp luật” – ông Vinh nhấn mạnh.

Số liệu tổng hợp về kết quả xử phạt theo Nghị định số 60 trong 3 năm từ 2010 – 2012 cho biết, Thanh tra Bộ Tư pháp, Thanh tra các Sở Tư pháp đã ban hành 2.517 quyết định xử phạt với tổng số tiền phạt VPHC gần 834 triệu đồng. Tuy nhiên, trong số 14 lĩnh vực được quy định tại Nghị định số 60 thì mới chỉ có 6 lĩnh vực có hành vi vi phạm bị phát hiện và xử phạt. Trong đó, các hành vi vi phạm bị phát hiện và xử phạt phần lớn thuộc lĩnh vực hộ tịch (chiếm tới 3.951 quyết định xử phạt), tiếp đến là công chứng (chiếm tới gần 536 triệu đồng tiền phạt), luật sư, thi hành án dân sự, bán đấu giá tài sản và giám định tư pháp. Ngoài ra, thực tế thi hành Nghị định số 60 cũng gặp nhiều bất cập như mức phạt quy định hầu hết là thấp nên chưa đủ tính răn đe; thiếu cơ sở pháp lý để tiến hành xử phạt đối với một số lĩnh vực quản lý nhà nước trong các văn bản pháp luật chuyên ngành….

Còn theo số liệu của Thanh tra các Sở Tư pháp, trong thời gian qua có rất ít các trường hợp bị xử phạt VPHC trong lĩnh vực hôn nhân gia đình. Đáng chú ý, Nghị định số 87 có 10 Điều quy định về hành vi vi phạm và mức xử phạt trong lĩnh vực hôn nhân gia đình thì có 7 Điều đã hết hiệu lực vì đã được quy định tại Nghị định số 110/2009/NĐ-CP về xử phạt VPHC trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Với 3 Điều còn lại, các hành vi vi phạm hầu như cũng không bị xử phạt. Đó là chưa kể Nghị định số 87 được ban hành từ năm 2001 nên mức phạt được quy định quá thấp so với điều kiện thực tiễn hiện nay.

Vì vậy, trong quá trình xây dựng Nghị định mới thay thế cho 3 Nghị định trên, cần xem xét điều chỉnh mức phạt cho phù hợp với các quy định của Luật Xử lý VPHC năm 2013, chủ yếu tăng mức phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp như công chứng, luật sư, bán đấu giá tài sản… Không những thế, cần tăng mức phạt tiền tối đa đối với các chủ thể có thẩm quyền xử phạt theo quy định của Luật Xử lý VPHC và bổ sung các tổ chức như Phòng Công chứng, Trung tâm Bán đấu giá tài sản… thuộc diện đối tượng xử phạt để đảm bảo sự bình đẳng giữa các tổ chức hành nghề trong các lĩnh vực này.

Cẩm Vân