STP Thái Nguyên: Công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính

29/12/2015
 
 

Trong những năm vừa qua, Sở Tư pháp tỉnh Thái Nguyên đã làm tốt vai trò là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính và đã đạt được những kết quả nhất định trên các mặt cụ thể như: Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; Công tác kiểm tra và báo cáo công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính tại địa phương; Công tác phổ biến pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các vi phạm pháp luật; ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm hành chính; đề cao trách nhiệm của người có thẩm quyền xử lý cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân; tăng cường trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Tuy nhiên, do đây là nhiệm vụ mới được Chính phủ giao, nên trong quá trình triển khai thực hiện không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, lúng túng. Những khó khăn, vướng mắc này xuất phát từ thực tiễn thi hành cũng như trong những quy định, quy phạm pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương. Cụ thể:

- Việc áp dụng biện pháp đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều khó khăn. Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn nhiều điểm bất cập như việc quy định chưa cụ thể nội dung thành phần hồ sơ tại Điều 9 Nghị định còn gây nhiều tranh luận trong quá trình áp dụng. Mặt khác việc giao cho tổ chức xã hội quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện trên địa bàn tỉnh chưa có tổ chức xã hội nào đáp ứng được yêu cầu này;

-Tại khoản 3, Điều 60 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thời gian tạm giữ tang vật để xác định giá trị là không quá 24 giờ và nếu cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng không quá 24 (tổng cộng là 48 giờ). Thực tế áp dụng thì quy định như vậy là quá ngắn do phải thành lập hội đồng định giá, nhất là đối với những vụ vi phạm mà tang vật là những hàng hóa không có xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ khó định giá được trong thời gian 48 giờ.

- Việc áp dụng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b, khoản 11 Điều 22 Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ và khoản 1 Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính còn vướng mắc “...Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải nộp một khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách Nhà nước...”. Áp dụng quy định này khi lái xe (có hợp đồng với chủ phương tiện) tự ý mua lâm sản và vận chuyển trái pháp luật, khi bị xử phạt với hình thức phạt chính (phạt tiền) và hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu lâm sản và phải nộp một khoản tiền tương đương với giá trị phương tiện (khi vận chuyển gỗ không thuộc loài nguy cấp, quý, hiến từ 1,5m3 trở lên; gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm từ 0,5m3 trở lên) lái xe không thực hiện Quyết định xử phạt vẫn phải trả xe cho chủ phương tiện hợp pháp và không thu được tiền phạt (người vi phạm không có điều kiện để thực hiện các biện pháp cưỡng chế), nên hiện nay là khó thực hiện quy định trên.

- Lĩnh vực Thuế: Do chính sách thuế có nhiều thay đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho Doanh nghiệp như: Điều kiện để thành lập doanh nghiệp mới dễ dàng, thủ tục hồ sơ đơn giản, nhanh gọn; chế độ doanh nghiệp tự in, đặt in, phát hành hóa đơn bán hàng. Đây cũng là kẽ hở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp ma, bán hóa đơn GTGT trốn thuế; Trong điều kiện tình hình tài chính khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cầm chừng, do đó một số doanh nghiệp có vi phạm hành chính đã bị cơ quan thuế ra quyết định xử phạt nhưng không có khả năng về tài chính để thực hiện quyết định ( mặc dù các cơ quan thuế đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế). Một số doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính đã bỏ khỏi địa phương, do vậy còn có một số quyết định xử lý vi phạm hành chính chưa được thi hành.

    Đây là những khó khăn chung, đa số các địa phương trên địa bàn tỉnh đều gặp phải. Trong thời gian tới hy vọng Bộ Tư pháp sẽ xem xét, trình Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, để công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, đạt được những kết quả như mong đợi.

Trần Nội - Sở Tư pháp Thái Nguyên