Để thực hiện tốt và có hiệu quả công tác theo dõi tinh hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-UBND kèm theo kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật và quản lý công tác thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính năm 2015 trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, để tổ chức thực hiện tốt Luật XLVPHC về đưa các đối tượng nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, Kế hoạch số 54/UBND của UBND tỉnh Ninh Bình về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone 2015; Các ngành: Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Y tế, Tòa án nhân dân tỉnh đã ban hành Hướng dẫn liên ngành số 1559/HD-SLĐTBXH-CAT-STP-SYT-TAND thống nhất hướng dẫn thực hiện việc lập hồ sơ đề nghị, thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Trong năm 2015, Tòa tỉnh đã tổ chức được 214 hội nghị, hội thảo, 09 buổi tọa đàm tuyên truyền Luật XLVPHC cho hơn 11.500 lượt cán bộ và nhân dân; cấp phát 5.500 bộ tài liệu truyền tải những nội dung cụ thể về pháp luật và giải đáp được những khó khăn, vướng mắc trên thực tế, thu hút được sự quan tâm của cán bộ và nhân dân; Đài phát thanh và truyền hình tỉnh mở 01 chuyên mục người dân với pháp luật và tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh 3 cấp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của nhân dân; Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức 02 lớp tập huấn về quản lý xử lý vi phạm hành chính cho cán bộ pháp chế các Sở, ngành và cán bộ Tư pháp UBND huyện, thành phố; Các Sở, ngành trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 15 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đơn vị cơ sở thuộc trách nhiệm quản lý của mình và UBND các huyện, thành phố đã tổ chức 08 lớp bồi dưỡng cho những cán bộ làm công tác liên quan đến xử lý vi phạm hành chính.
Năm 2015, có 61.299 quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành với tổng số tiền phạt thu được là 44.241.135.108 đồng, trong đó, số tiến thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu là 2.742.461.261đồng, số quyết định bị khiếu nại, khởi kiện là 02 quyết định; có 715 đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, trong đó, giáo dục tại xã, phường, thị trấn là 402 đối tượng, biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng là 82 đối tượng, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc là 15 đối tượng, biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 216 đối tượng; có tổng số 968 đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, trong đó, có 713 nam giới, 20 nữ giới.
Trong quá trình thực hiện, các cấp, các ngành đã thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ, điều tra, kiểm soát để phát hiện các hành vi VPHC. Các vụ việc vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh kịp thời, xử lý đúng hành vi, đúng người, đúng tội, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, chưa phát hiện có sai phạm, tiêu cực trong triển khai thực hiện. Kết quả xử lý vi phạm hành chính đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, góp phần nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân, có tác dụng răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, các cơ quan có thẩm quyền xử phạt còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong công tác xử lý VPHC như:
Thứ nhất, về áp dụng các biện pháp ngăn chặn và đảm bảo XLVPHC, thực tế tiến hành các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, phòng ngừa vi phạm hành chính, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bằng hình thức tạm giữ người vi phạm hành chính với thời hạn theo quy định là quá ngắn nên nhiều trường hợp lực lượng thi hành công vụ không đủ thời gian xác minh các thông tin cần thiết để áp dụng các biện pháp khác hoặc để có hướng giải quyết, như tra cứu tiền án, tiền sự để quyết định xử lý vi phạm hành chính hay chuyển hồ sơ đến Cơ quan điều tra đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhất là đối với địa bàn thuộc khu vực miền núi, miền biển…
Thứ hai, về ý thức chấp hành quyết định xử phạt, một số đối tượng vi phạm chấp hành chưa nghiêm, nhất là đối với những trường hợp bị áp dụng hình thức phạt tiền, một số trường hợp nộp phạt chậm hoặc không chịu nộp phạt vì kinh tế khó khăn, không có tiền nộp phạt nhưng mức phạt lại không thuộc trường hợp được hoãn hoặc miễn, giảm tiền phạt. Việc cưỡng chế càng khó khăn vì đối tượng không có tài khoản cá nhân, một số không có nơi ở ổn định, là người dân nghèo không có nghề nghiệp và thu nhập, tài sản của các đối tượng vi phạm cũng không có giá trị để kê biên. Việc thực hiện cưỡng chế bằng cách khấu trừ tiền từ tài khoản của đối tượng vi phạm tại các tổ chức tín dụng trên thực tế còn khó thực hiện vì thiếu hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Hơn nữa, khi biết bị cưỡng chế, lập tức đối tượng rút hết tiền trong tài khoản bị cưỡng chế và lập lại tài khoản khác ở tổ chức tín dụng khác nhằm trốn tránh việc cưỡng chế.
Thứ ba, về việc chuyển giao tài sản tịch thu qua XLVPHC để bán đấu giá do không phân định thẩm quyền ra quyết định xử lý tang vật, phương tiện VPHC làm cơ sở để chuyển giao nên việc giao toàn bộ tang vật, phương tiện VPHC bị tịch thu cho tổ chức bán đấu giá là không phù hợp, nhất là đối với những tài sản có giá trị nhỏ, địa bàn xa trung tâm. Luật cũng chưa quy định cụ thể lý do không thuê được tổ chức ban đấu giá chuyên nghiệp để thành lập Hội đồng bán đấu giá nên dễ dẫn đến tùy tiện trong thực hiện; chưa có tiêu chí cụ thể để xác định hàng hóa cồng kềnh hoặc có số lượng lớn nên còn lúng túng trong thực hiện.
Thứ tư, về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, từ khi các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND xem xét, quyết định, các cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh chưa đưa được trường hợp nào vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thực tế còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thủ tục qua khá nhiều bước nên chưa phát huy được hiệu quả. Hơn nữa, thẩm quyền xác định người nghiện ma túy thuộc trách nhiệm của ngành y tế, nhưng còn nhiều cơ sở y tế trên địa bàn chưa thực hiện việc xác định người nghiện ma túy theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP nên khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở để cai nghiện bắt buộc. Ngoài ra, thời gian từ khi cơ quan lập hồ sơ chuyển đến các cơ quan chức năng như phòng Tư pháp, phòng Lao động, Thương binh & Xã hội và TAND cấp huyện để xem xét ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện khá dài. Do vậy, khi chưa có quyết định của Tòa án, đối tượng không muốn đi cai nghiện, bỏ trốn khỏi địa phương nên không thể thực hiện được quyết định.
Nghị định 163/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vạt liệu nổ công nghiệp không quy định thẩm quyền xử phạt của Quản lý thị trường, do đó công tác kiểm tra xử lý đối với mặt hàng phân bón là rất khó khăn.
Thứ năm, trong lĩnh vực biên phòng, một số Nghị định quy định thẩm quyền xử phạt của Đồn trưởng đối với hành vi thường xảy ra ở khu vực biên giới, vùng biển còn thấp, chưa đảm bảo tính răn đe, như hành vi vận chuyển trái phép pháo, hành vi đánh bắt thủy hải sản sai tuyến quy định trong giấy phép khai thác thủy sản. Quy định việc nộp tiền phạt theo Khoản 2, Điều 78 Luật XLVPHC không phù hợp với điều kiện của các Đồn Biên phòng, nhất là các Đồn Biên phòng tuyến biên giới, Đồn biên phòng đóng ở khu vực các cảng biển xa Kho bạc Nhà nước. Về tạm giữ người, theo quy định của Luật thì việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính đối với trường hợp cần ngăn chặn, đình chỉ ngay những hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thương tích cho người khác. Tuy nhiên trên thực tế ở khu vực biên giới xảy ra nhiều trường hợp vi phạm hành chính như có lai lịch nhân thân không rõ ràng cần thời gian xác minh, có tái phạm hoặc vi phạm các lĩnh vực cần giám định tang vật để có căn cứ ra quyết định xử phạt nên việc quản lý người vi phạm để đảm bảo cho việc xử phạt gặp nhiều khó khăn.
Để thực hiện tốt hơn công tác XLVPHC trong thời gian tới, thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện thể chế về XLVPHC, điều chỉnh những nội dung còn bất cập, vướng mắc qua thực tế triển khai thi hành Luật để công tác XLVPHC được thi hành có hiệu quả hơn, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, đất nước. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến xử lý vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, trật tự đô thị, tư pháp, thuế, quản lý thị trường.Đồng thời, thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác XLVPHC tại các cơ quan, đơn vị, địa phương và các điều kiện đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ này, nhất là về biên chế, bố trí nguồn kinh phí và trang bị các thiết bị, phương tiện kỹ thuật đảm bảo phục vụ tốt cho công tác xử lý vi phạm hành chính.
Đoàn Thị Ngọc Hải