Tư tưởng Hồ Chí Minh về tham nhũng và vấn đề chống tham nhũng hiện nay

24/01/2022
Không phải đến bây giờ, khi nước ta đang hoàn thiện pháp luật và đẩy mạnh chống tham nhũng thì vấn đề này mới được đề cập. Mà chống tham nhũng là vấn đề của lịch sử, từ thời phong kiến đã được nhắc đến với những tên gọi khác nhau, nhưng bản chất hay nội hàm của nó đều là vấn đề vi phạm pháp luật để tư lợi cá nhân.
Từ thời Lý Thành Tông  tội tham nhũng được luật pháp đặc biệt quan tâm và có những chế tài nghiêm khắc, đó là: “Những người thu quá số thuế quy định sẽ bị ghép vào tội ăn trộm. Người dân tố cáo việc đó được miễn dịch 3 năm. Người ở kinh thành mà cáo giác nạn nhũng nhiễu, tham ô thì nhận thưởng bằng hiện vật thu được”. Của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho quỹ triều đình. Như vậy, luật pháp không chỉ quy định về nạn nhũng nhiễu, tham ô, mà còn khuyến khích bằng phần thưởng là hiện vật đối với người tố giác nạn tham nhũng. Điều đó cũng có thể được coi là một trong những biện pháp đấu tranh với tham nhũng thời đó.
Đến thời nhà Trần, pháp luật được tăng cường và hoàn thiện hơn triều nhà Lý. Việc tuyển chọn quan lại được đề cao tiêu chuẩn về thanh liêm, thẳng thắn, do đó việc tư lợi, ăn đút lót bị xử nặng. Trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư có ghi việc Trần Phẩu bị tội lăng trì vì ăn đút lót 100 lạng vàng và vu cáo Quốc Chẩn làm phản(1).
Đến Triều Lê, việc chống tham nhũng rất được coi trọng. Trong Bộ luật Hồng Đức có 722 điều, thì có trên 40 điều liên quan việc phòng, chống tham nhũng, hình phạt nặng nhất là tử hình bằng cách chết thắt cổ, chém cổ, hoặc xử trảm bêu đầu.
Đến triều Nguyễn, nổi bật là việc xây dựng và thực thi bộ luật Gia Long năm 1815. Luật Gia Long có 17 quyển quy định riêng về Luật hình đối với tội nhận hối lộ (đút lót) và gần 20 điều khoản quy định cụ thể về vấn đề này…
Như vậy, vấn đề tham nhũng dưới cách gọi này hay cách gọi khác đã được quy định từ thời phong kiến và ngày càng cụ thể và số lượng các quy định ngày càng dày dặn hơn...
Khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời, mới là giai đoạn tiền xây dựng Đảng, tức là chuẩn bị các điều kiện cần và đủ để tiến tới xây dựng tổ chức đảng. Trong cuốn “Đường Kách mệnh” năm 1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhấn mạnh “phải cần, kiệm, nói thì phải làm, phải biết hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất”. Như vậy, lòng tham muốn về vật chất ở đây cũng được hiểu nó là cội nguồn, gốc rễ của vấn đề tham nhũng.
Theo tư tưởng của Người, tham nhũng, lãng phí chính là "giặc nội xâm”, là "quốc nạn”.  Người chỉ rõ bản chất của hành vi tham ô là lấy của công làm của tư, là gian lận tham lam, là trộm cướp, thậm chí là tội ác. Trong bài nói chuyện năm 1952 về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Hồ Chủ tịch có nói “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là ăn cắp của công làm của tư; đục khoét của nhân dân; ăn bớt của bộ đội; tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình…” , “Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”.
Nhớ lại vụ án Trần Dụ Châu diễn năm 1950. Tại Chiến khu Việt Bắc vào ngày 05/9/1950,  một phiên tòa đặc biệt đã diễn ra, gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi. Đây được coi là vụ án điển hình về tham nhũng, cũng được xử làm điểm để răn đe. Trong khi nhân dân, chiến sĩ còn gặp muôn vàn khổ cực kháng chiến chống giặc, thương binh thì thiếu thuốc men, bông băng, hầu như hết chiến sỹ đều rách rưới, võ vàng vì đói rét thì Đại tá Trần Dụ Châu đã thực hiện ăn cắp công quỹ, nhận hối lộ, phá họai công cuộc kháng chiến. Ví dụ, cứ mỗi cái màn cấp cho bộ đội Châu ăn bớt 2 tấc vải xô, nên cứ ngồi lên là đầu chạm đình màn. Còn áo trấn thủ, Châu ăn cắp bông lót rồi độn bao tải vào. Trần Dụ Châu còn tổ chức nhiều tiệc linh đình, xa xỉ, lãng phí… Tại phiên tòa, Trần Dụ Châu đã cúi đầu nhận tội, Tòa án binh tối cao tuyên phạt án tử hình, đồng thời bị tước quân hàm Đại tá theo công lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trần Dụ Châu đã gửi đơn lên Hồ Chủ tịch xin tha tội chết. Người đã cân nhắc rất kỹ và quyết định bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu và dứt khoát nói: “Một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm” và “nếu phải giết đi một con sâu mà cứu được cả rừng cây thì việc đó là cần thiết, hơn nữa còn là một việc làm nhân đạo”.
 
Khi Miền Bắc nước ta bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, trên Tạp chí Học tập số ra tháng 12/1958, Bác đã viết bài bài "Đạo đức cách mạng", trong đó, Bác chỉ ra 3 kẻ địch nguy hiểm của cách mạng: kẻ địch nguy hiểm thứ nhất là chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc. Thói quen và truyền thống lạc hậu là kẻ địch to; chủ nghĩa cá nhân là kẻ địch thứ ba. Trong chủ nghĩa cá nhân, tư lợi, tham ô, lãng phí là rất nguy hại. Trong bài nói chuyện tại Đại hội III Đoàn thanh niên Việt Nam ngày 24/3/1961, Bác lại nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”(2). Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, của chủ nghĩa xã hội”. 
Người khẳng định, chủ nghĩa cá nhân là bệnh mẹ đẻ ra trăm thứ bệnh con nguy hiểm; một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm khác. Trong số những căn bệnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra, tham nhũng là căn bệnh nguy hiểm nhất, là “hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất”(3). Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trộm cắp tiền bạc của Nhân dân, tổn hại kinh tế của Chính phủ, cũng là mật thám, phản quốc, nếu không phải là tệ hơn nữa”(4).
Nói chuyện với cán bộ và nhân dân Hà Bắc ngày 17/10/1963, Người kêu gọi: "... Phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Phải chấm dứt những tệ nạn xấu xa do xã hội cũ để lại, như lười biếng, cờ bạc, buôn gian bán lậu, tiêu sài xa xỉ, gả bán, cưỡng ép... Để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, đồng bào các dân tộc phải nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà.
Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/1969), Bác viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bác chỉ rõ: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa". Đồng thời, Bác nhấn mạnh “Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt”.
Như vậy, có thể thấy tư tưởng của Người về tham nhũng, nó không những được coi như tội ác mà còn là kẻ thù của nhân dân. Tham nhũng cũng giống như một căn bệnh trầm kha cần phải chữa trị một cách triệt để. Với tư tưởng của Người, Đảng cách mạng đã coi như kim chỉ nam cho hành động phòng, chống tham nhũng cho đến ngày nay. Phòng chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước ta coi là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài.
Tham nhũng có nhiều cách hiểu khác nhau, nhưng ở góc độ lý luận thì tham nhũng là hành động cố tình không tuân thủ các nguyên tắc minh bạch hóa nhằm trục lợi cho cá nhân hoặc cho những kẻ có liên quan đến hành động đó. Một cách hiểu khác về tham nhũng được Ngân hàng thế giới sử dụng là "lạm dụng công quyền để mưu lợi riêng"(5).
Kế thừa những tư tưởng về phòng chống tham nhũng từ lịch sử, hiện nay, pháp luật Việt Nam có định nghĩa khá rõ ràng về tham nhũng. Theo đó, tại khoản 1 Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 thì "tham nhũng là là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi". Cũng theo khoản 2 điều 3 của Luật này, thì người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Như vậy, có thể thấy, căn nguyên để tham nhũng chính là xuất phát từ công vụ và lạm dụng công quyền. Tham nhũng gắn liền với nhà nước và các hoạt động của nhà nước. Nếu xóa bỏ được nhà nước thì có thể xóa bỏ triệt để được tham nhũng. Cũng chính vì vậy, đấu tranh chống tham nhũng sẽ còn là cuộc đấu tranh thường xuyên, lâu dài, phức tạp và là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị.
Không chỉ ở Việt Nam, tham nhũng được coi là bệnh nan y của cả nước phát triển và nước đang phát triển. Tuy nhiên ở các nước khác nhau, mức độ là khác nhau. Ngày nay, ở nhiều quốc gia đang phát triển và chậm phát triển, tham nhũng được coi là rào cản khó khăn nhất đối với việc xóa đói, giảm nghèo và được coi là cản trở lớn nhất trong phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì thế, đấu tranh phòng, chống tham nhũng được coi là mối quan tâm chung của nhiều quốc gia. Vấn đề này cũng được đề cập rất sớm trong hoạt động của Liên Hợp quốc. Năm 1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã yêu cầu Ủy ban về Phòng ngừa tội phạm và Tư pháp hình sự nghiên cứu, đề xuất những vấn đề ưu tiên cần nghiên cứu trước mắt và trong giai đoạn tới, trong đó phải chú ý đến thực tiễn tham nhũng ở các nước khác nhau. Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp quốc cũng thông qua Nghị quyết số 1994/19 ngày 25/7/1994 và Nghị quyết số 1995/14 ngày 24/7/1995 kêu gọi các nước thành viên hành động tích cực để chống tham nhũng. Ngày 16/12/1996, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 51/191 đính kèm tuyên bố của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng và hối lộ trong giao dịch thương mại quốc tế. Tuyên bố này đã cảnh báo nguy cơ tham nhũng và hối lộ ngày càng lan rộng trong lĩnh vực thương mại quốc tế và phác thảo một số hành vi hối lộ, tham nhũng trong lĩnh vực này. Tuyên bố đính kèm này cũng khuyến khích các Chính phủ của các nước thành viên sớm hình sự hóa các hành vi tham nhũng và hối lộ trong giao dịch thương mại quốc tế. Đồng thời, yêu cầu Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp quốc và các cơ quan trực thuộc Hội đồng duy trì việc rà soát thường xuyên các quy định này. 
Việt Nam là một trong những nước tích cực tham gia vào đàm phán, xây dựng Công ước chống tham nhũng (UNCAC). Sau khi ký Công ước UNCAC năm 2003, Bộ Tư pháp Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành khác đã tiến hành nghiên cứu, rà soát đối chiếu các quy định của Công ước với các quy định tương ưng trong pháp luật Việt Nam. Quá trình rà soát, nghiên cứu cho thấy, Pháp luật Việt Nam về cơ bản đáp ứng yêu cầu của Công ước UNCAC, đồng thời tiếp tục hoàn tiện thể chế về phòng, chống tham nhũng để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới. Ngày 29/11/2005, Quốc hội Khóa XI kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực kể từ ngày 01/6/2006 và thay thế cho Pháp lệnh Phòng, chống tham nhũng năm 1996. Luật này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung vào những năm 2007, năm 2012 và cho đến nay là Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành năm 2018.
Từ năm 2013 đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 200 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội ban hành hơn 250 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các Bộ, ngành, địa phương ban hành gần 88.000 văn bản để cụ thể hoá, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Đặc biệt là qua tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005, chúng ta đã xây dựng được Luật PCTN năm 2018 với nhiều biện pháp mới, khắc phục những hạn chế thời gian qua và tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy công tác PCTN trong thời gian tới (6). Với hệ thống văn bản pháp luật này, có thể khẳng định, cho đến nay các chủ trương, quy định của Đảng, các văn bản pháp luật về phòng, chống tham của nước ta cơ bản đã đầy đủ để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PCTN; sự thiếu hụt dẫn đến hiệu quả PCTN chưa cao chủ yếu là ở khâu tổ chức thực hiện.
Nhìn chung, qua kết quả xây dựng thể chế, chính sách nêu trên đã đề ra được những chủ trương, giải pháp, quy định mới, mạnh mẽ, quyết liệt về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng. Nhiều quy định, nghị quyết được quán triệt và thực hiện nghiêm túc, đi vào cuộc sống, khắc phục một bước những sơ hở, bất cập làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng. Đặc biệt là các kinh nghiệm tốt của thế giới về phòng, chống tham nhũng được thể chế hóa trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng cũng đã được nội luật hóa cơ bản đầy đủ trong pháp luật của Việt Nam về phòng, chống tham nhũng. Do đó, có thể khẳng định, cho đến nay các chủ trương, quy định của Đảng, các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng của chúng ta cơ bản đã đầy đủ để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác PCTN; sự thiếu hụt dẫn đến hiệu quả PCTN chưa cao chủ yếu là ở khâu tổ chức thực hiện.

Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử ký toàn thư trọn bộ, NXB văn hóa thông tin, H.2010, tr.361.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr. 90, 421.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr. 141.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 368,
5. Ngân hàng thế giới "Các hình thái tham nhũng – giám sát các khả năng tham nhũng ở cấp ngành" NXB văn hóa thông tin, H.2008, tr.13.
6. Hoàn thiện thể chế để bảo đảm “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng – đăng trên dangcongsan.vn ngày 28/01/2021.
7. 
Phòng, chống tham nhũng: Những bài học lịch sử và hành động của chúng ta hôm nay - PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.