Học tập và làm theo phong cách, đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh về giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, đơn vị

11/03/2021
Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc ta và của nhân loại. Người đã để lại cho chúng ta một di sản tinh thần vô giá, một hệ thống tư tưởng vĩ đại, trong đó tư tưởng về đại đoàn kết là tư tưởng nổi bật, có giá trị trường tồn với quá trình phát triển của dân tộc ta. Đây là tư tưởng xuyên suốt và nhất quán trong tư duy lý luận, trong hoạt động thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã trở thành chiến lược cách mạng của Đảng.
I. Nền tảng hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần đoàn kết
Trong bài “Hãy yêu thương nhau cùng nhau đoàn kết”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:  
Hãy yêu thương nhau, cùng nhau đoàn kết
Hãy lắng nghe câu hát đáy lòng tôi
Kẻ không đoàn kết cũng như chim lạc đàn
Chóng hoặc chày cũng sẽ trúng tên
Vì cô độc sẽ làm mồi cho hiểm hoạn
Từ kết đoàn hạnh phúc sẽ sinh sôi”.
Nội dung kêu gọi đoàn kết được Người viết liền mạch, khi có dịp thuận tiện là Người tuyên truyền ngay, từ kêu gọi trực tiếp đến những ví von về sức mạnh của đoàn kết. Người mong muốn mọi người dân thấm nhuần tư tưởng đoàn kết một cách sâu sắc và thường xuyên,  từ đó biến thành sức mạnh lực lượng vật chất. Trong khối đại đoàn kết, bên cạnh những nhân tố tích cực vẫn còn tồn tại những nhân tố tiêu cực, bên cạnh những yếu tố tương đồng vẫn còn những điểm khác nhau cần phải bàn bạc để đi đến thống nhất.
Đoàn kết là sự kết hợp được nhiều người, mỗi người một ưu điểm riêng mà người khác không có, nên khi tất cả họ đồng tâm cùng làm một công việc thì công việc ấy sẽ được chia ra theo khả năng mà mỗi người có thể hoàn thành. Mỗi người phải biết cảm thông, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau và phấn đấu hết mình với ý nghĩ “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” chứ không được ỷ lại cho người khác. Người nhấn mạnh, “Xin ai xin nhớ chữ đồng. Đồng tình , đồng sức, đồng lòng, đồng minh”.
Đoàn kết tạo ra sức mạnh to lớn giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, rào cản, nhằm đem lại kết quả tốt đẹp cho cuộc sống và là chìa khóa vàng đem lại thành công.
 II. Rèn luyện tinh thần và tương trợ lẫn nhau trong tác phong, tư tưởng của Chủ Tịch Hồ Chí Minh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc, pháp luật, kỷ cương. Mọi biểu hiện dân chủ hình thức, lợi dụng nhân dân chủ để “kéo bè, kéo cánh”, làm rối loạn kỷ cương, cầu danh, trục lợi hoặc chuyên quyền, độc đoán, đứng trên tập thể, đứng trên quần chúng… làm cho quần chúng nhân dân bất bình cần phải được lên án và cương quyết loại bỏ.
Sự đoàn kết, đồng lòng nhất trí trong công việc là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của đơn vị. Khi tất cả mọi nhân viên cùng đồng lòng hợp sức sẽ tạo ra một nguồn năng lượng làm việc lớn nhất và đạt hiệu quả cao nhất.  Mọi người làm việc tốt với nhau khi họ cảm thấy được đối xử công bằng trong công việc, khen thưởng hay xử phạt. Nếu tập thể thiếu đi yếu tố bình đẳng thì tạo ra sự bất hòa, không nhất quán trong công việc. Phân bổ nhiệm vụ hợp lý, thưởng phạt phân minh sẽ khiến cho mọi người đều nhận thấy sự bình đẳng. Mọi cá nhân nhân viên sẽ thi đua một cách công bằng để phát triển công việc  và hoàn thành nhiệm vụ chung của nhóm.
III. Vận dụng phong cách, tư Tưởng ChủTịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng khối đại đoàn kết trong Chi  bộ Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đoàn kết là vấn đề có tính chiến lược, quyết định mọi thành công.  Đây cũng chính là bài học  sâu sắc và thực tiễn mà Chi bộ Vụ Tổ chức cán bộ thời gian qua đã kiểm chứng.
Khi nội bộ chưa thống nhất về tư tưởng, về chủ trương, về lợi ích thì không thể có sự đoàn kết, nhất trí cao, đồng nghĩa với nó là sự bất ổn, tạo lực cản kìm hãm sự phát triển chung của Chi bộ.  Xây dựng khối đại đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp làm nền tảng, làm động lực cho Chi bộ Vụ phát triển là yêu cầu hết sức quan trọng của Chi bộ hiện nay và thời gian tiếp theo. Để có sự đoàn kết cần phải thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, tập thể cấp ủy phải gương mẫu, đi đầu để xây dựng, tạo sự đồng thuận trên dưới một lòng, từ tập thể cấp ủy đến từng đảng viên trong Chi bộ. Muốn vậy, cấp ủy cần sáng suốt bảo đảm sự công bằng và bình đẳng cho đảng viên trong việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như quyền lợi chính trị, quyền lợi kinh tế, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của cán bộ, đảng viên; kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể.
Hai là, xây dựng khối đại đoàn kết trên cơ sở phê bình và tự phê bình, thẳng thắn, trách nhiệm, có tinh thần xây dựng, không né tránh khuyết điểm, không đoàn kết một chiều, không đoàn kết hình thức. Từ Chi ủy, Chi bộ đến các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ đều phải tạo cơ chế, cơ hội để mọi cán bộ, đảng viên phát huy tinh thần đấu tranh, góp ý trực tiếp hoặc gián tiếp vì mục tiêu chung, vì sự tiến bộ của cá nhân và tập thể Chi bộ. Sự trao đổi thẳng thắn thể hiện tinh thần trách nhiệm, tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau giúp nhau khắc phục khuyết điểm, tự vươn lên để hoàn thiện bản thân.
Ba là, khối đại đoàn kết muốn bền chặt, lâu dài, Chi bộ cần có môi trường sống và làm việc với tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, có sự bao dung, rộng lượng, luôn tạo cơ hội cho mọi cán bộ, đảng viên có điều kiện phát triển.
Bốn là, xây dựng niềm tin cho mọi cán bộ, đảng viên trong Chi bộ. Trách nhiệm này đầu tiên thuộc về đồng chí Bí thư và tập thể cấp ủy.
Nguyễn Hồng Lĩnh