Phường Thanh Nhàn, Hà Nội: Cán bộ hộ tịch hết lòng phục vụ dân

07/09/2011
Phường Thanh Nhàn, Hà Nội: Cán bộ hộ tịch hết lòng phục vụ dân
Dù “xóm liều ma túy” giờ đây chỉ còn là cái tên trong quá vãng nhưng Thanh Nhàn vẫn là một trong những phường phức tạp về an ninh trật tự trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Với trên 22 ngàn dân và thực tế còn nhiều vấn đề phải giải quyết, song công tác đăng ký hộ tịch ở phường này đã bước đầu ổn định, đi vào nề nếp. Cuộc thi hộ tịch viên giỏi quận Hai Bà Trưng vừa qua, cán bộ tư pháp phường Thanh Nhàn đã dành giải cao nhất.

Kinh nghiệm đi trước…

Người đầu tiên tôi gặp ở UBND phường Thanh Nhàn chính là chị Vũ Thị Hằng, cán bộ hộ tịch. Khi đó là đầu giờ chiều, câu chuyện của tôi với chị liên tục bị ngắt quãng bởi người dân ra vào “UB phường vừa giải quyết xong một vụ nhận con nuôi khá rắc rối”, chị Hằng phấn khởi khoe.

Đó là trường hợp một cô gái trẻ từ vùng núi cao Hòa Bình về Bệnh viện Thanh Nhàn sinh con. Mẹ tròn con vuông thì lập tức cô gái bỏ đi, để lại đứa trẻ đỏ hỏn. Nhận được tin báo, UBND phường đã cử chị và cán bộ Công an đến hiện trường lập biên bản, đề nghị bệnh viện làm thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu bé. Sau đó ít ngày có cặp vợ chồng hiếm muộn biết chuyện đã đến phường xin nhận cháu bé làm con nuôi. Chị đã hướng dẫn họ các thủ tục và hiện chỉ còn chờ phiếu lý lịch tư pháp để hoàn tất thủ tục.

Nhiều năm làm cán bộ tư pháp, chị Hằng gặp không ít những tình huống trớ trêu. Cách đây vài tháng, có một cặp “vợ chồng” đệ đơn lên phường xin làm thủ tục đăng ký kết hôn. Xem hồ sơ thấy mọi thủ tục đều đầy đủ, tuy nhiên bằng linh cảm nghề nghiệp, chị Hằng thấy có điều gì đó bất ổn. Xuống tận nhà đương sự để kiểm tra, chị mới té ngửa là người chồng thực sự của chị phụ nữ nói trên vừa mất, trên bàn thờ còn nghi ngút khói hương. Hóa ra chỉ vì muốn có tờ giấy đăng ký kết hôn và khai sinh cho 3 đứa trẻ, chị phụ nữ này đã “mượn” ông anh rể để đứng tên trong giấy đăng ký kết hôn. Phát hiện vụ việc, chị Hằng đã cho lập biên bản, và hướng dẫn về nơi người mẹ có đăng ký thường trú để khai sinh cho bọn trẻ. “Lẽ ra cũng phải xử lý chị phụ nữ này nhưng thấy hoàn cảnh của chị ấy tội quá, mình giải thích rồi thống nhất với các ngành thôi không xử lý”, chị Hằng tâm sự.

Là cán bộ “chủ lực” trong công tác hộ tịch của phường, chị Hằng đã từng tham mưu giải quyết rất nhiều vụ việc phức tạp, uẩn khất. “Trình độ là một phần, kinh nghiệm công tác và kinh nghiệm trong cuộc sống cũng giúp mình phát hiện và giải quyết có lý, có tình những vụ việc rắc rối. Xong mỗi việc mình thấy nhẹ lòng và vui hơn khi được dân tin”, chị Hằng chia sẻ.

Thế hệ trẻ tiếp nối sau…

Nếu như chị Hằng thuộc lớp cán bộ tư pháp lâu năm ở phường Thanh Nhàn, thì Nguyễn Thị Hồng Minh lại là “lính mới tò te”. Là dân công nghệ thông tin, sau đó là Đại học Luật, nơi Hồng Minh “đầu quân” đầu tiên là UBND phường Đồng Nhân, một phường cũng nằm trên địa bàn quận Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, xuất thân là cán bộ phong trào đoàn, thi và đỗ công chức của phường Thanh Nhàn đối với Minh như “làm lại từ đầu”.

Em về đây được phân công làm cán bộ tư pháp, trực tiếp tiếp dân, một lĩnh vực đầy mới mẻ và cũng khó khăn vì liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên, em xác định vừa làm vừa học, may mắn được lãnh đạo phường quan tâm, lại có những người như chị Hằng dìu dắt, giúp đỡ…”, Hồng Minh chia sẻ.

Cũng là cán bộ tư pháp, Minh phải gánh đến cả chục đầu việc, thêm cả công việc tiếp dân, đối với Minh là cả một thử thách. “Thú thật, nhiều khi tiếp dân, nhất là những vấn đề phức tạp, em phải hẹn lại họ để về nghiên cứu văn bản, tham khảo ý kiến mọi người mới dám trả lời…”, Minh nói. Dù vậy, bù lại, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, thái độ cởi mở, chu đáo của Minh luôn làm người tiếp xúc hài lòng.

Tại cuộc thi hộ tịch viên giỏi quận Hai Bà Trưng, Minh đã vượt qua gần 20 thí sinh đến từ các phường khác để đoạt giải nhất. Nhìn Minh đĩnh đạc trên sân khấu với phần thi lý thuyết và ân cần, tự tin trong phần thi tình huống khiến người ta cảm nhận ở người cán bộ tư pháp này lòng yêu nghề cho dù cô mới gắn bó với nó chưa lâu…

“Cố gắng phục vụ dân tốt nhất”

Đánh giá công tác tư pháp đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn Vũ Thanh Loan cho biết thêm: “Từ đầu năm đến nay, phường chưa hề nhận được đơn thư, kiến nghị liên quan đến công tác tư pháp. Chúng tôi đặc biệt coi trọng vấn đề chuyên môn và phong cách phục vụ, cố gắng tối đa để trả kết quả các việc chứng thực, đăng ký hộ tịch trong ngày, không để dân phải chờ đợi…”. Đối với các tranh chấp từ cơ sở, bà Loan cũng đánh giá: nhờ sự cố gắng của các tổ hòa giải các tranh chấp cơ bản được giải quyết từ cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn…

Dù còn nhiều khó khăn, song phường Thanh Nhàn vẫn luôn cố gắng để công tác hộ tịch – tư pháp ổn định, nề nếp, hiệu quả với phương châm làm sao phục vụ dân một cách tốt nhất.

Việt Hòa