Tình huống là cuộc đời
Nhà Văn hóa quận Cầu Giấy cuối tuần chật kín không còn một ghế trống. Nhiều người đến đây để cổ vũ cho người thân của mình, người khác lại tò mò muốn biết xem thi hộ tịch viên giỏi là thi…cái gì.
Tiếng nhạc nổi lên, trên sân khấu là màn giới thiệu của thí sinh đến từ UBND phường Dịch Vọng. Một bài thơ tự sáng tác với những kết quả cơ bản của công tác hộ tịch những tháng đầu năm. Cũng qua những lời thơ giản dị này, chân dung người làm công tác hộ tịch được phác thảo những nét cơ bản.
Sau phần thi lý thuyết, thí sinh Nguyễn Thị Hải Hậu (phường Dịch Vọng) bốc thăm được tình huống như sau: Gia đình ông D đông con, kinh tế lại khó khăn. Cạnh nhà ông D có gia đình hàng xóm khá giả nhưng hiếm muộn. Họ thỏa thuận cho nhà hàng xóm nhận một trong những người con của ông D làm con nuôi. Tuy nhiên, khi làm đăng ký nhận con nuôi, vì xấu hổ với bà con chòm xóm, 2 bố con ông D. không chịu ra UBND, bởi thế xã đã từ chối không cho họ làm thủ tục nhận nuôi con nuôi. Vậy, việc từ chối của xã đúng hay sai?
Còn thí sinh Lê Thái Dũng, đến từ phường Nghĩa Tân lại phải giải quyết một tình huống xem ra khá hóc: một buổi sáng sớm ra công viên tập thể dục, bà A phát hiện một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trên ghế đá. Bà vội cấp báo cho UBND phường, sau khi được phường đồng ý, bà đã đem cháu về nhà nuôi dưỡng. Một tuần sau, bà A ra UBND phường yêu cầu làm đăng ký khai sinh cho bé nhưng UBND phường từ chối vì cần phải chờ thêm một thời gian nữa. Câu hỏi đặt ra là phường làm như vậy có đúng không, và thủ tục làm đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi gồm những gì?
8 thí sinh với 8 tình huống khác nhau về hộ tịch nhưng điều dễ nhận thấy là những tình huống đều rất “đời”, rất gần với cuộc sống mà bất cứ ai có thể gặp ở đâu đó. Và một điều chắc chắn rằng không phải người dân nào khi gặp những tình huống “tréo ngoe” như vậy cũng biết cách xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Bác Nguyễn Khánh Trang, một “cổ động viên” đến từ phường Quan Hoa phấn khởi “đi xem hội thi tôi hiểu ra rất nhiều vấn đề. Các thí sinh đã chọn và giải đáp tình huống rất dễ hiểu”.
Nhận xét về phần thi tình huống của các thí sinh, Trưởng phòng Tư pháp quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Đức Hạnh cho biết: đây không phải là những tình huống chỉ có trên sân khấu mà trong công việc hàng ngày tại cơ sở, bất cứ cán bộ tư pháp hộ tịch nào cũng có thể gặp phải. Thậm chí có nhiều tình huống còn “gai góc”, phức tạp hơn đòi hỏi người cán bộ hộ tịch phải có trình độ, bản lĩnh và kinh nghiệm nghề nghiệp.
“Hoa hộ tịch” khoe sắc
Nếu như mỗi thí sinh quận Cầu Giấy được “mở màn” bằng phần thi tự giới thiệu về địa phương về cá nhân mình, thì ở quận Hai Bà Trưng, phần thi giới thiệu này tỏ ra “giản dị” hơn. Tuy nhiên, phần thi lý thuyết và tình huống diễn ra cũng “khốc liệt” không kém. Thí sinh Nguyễn Thu Hiền, đến từ phường Bách Khoa, người về nhì cuộc thi hộ tịch viên giỏi quận Hai Bà Trưng tâm sự: 11 năm làm công tác này mình cũng đã gặp nhiều tình huống phức tạp. Bọn mình đã cố gắng giải quyết không chỉ đơn giản là đúng pháp luật mà qua đó còn giải thích cho người dân để hộ hiểu các quy định về hộ tịch.
Thí sinh Đỗ Thị Xuân Hương đến từ phường phố Huế cũng tâm sự: kinh nghiệm trong công tác giúp cán bộ hộ tịch xử lý đúng tình huống, và trong nhiều trường hợp là phát hiện ra những uẩn khuất đằng sau các yêu cầu về đăng ký hộ tịch.
Tính đến nay, đã có khoảng hơn 20/29 quận, huyện, thị ở Hà Nội đã tiến hành cuộc thi hộ tịch viên giỏi. Dự kiến, đúng dịp kỷ niệm giải phóng Thủ đô Hà nội sẽ thi chung khảo cấp thành phố. Cuộc thi không những là sự “tranh tài” giữa các cán bộ tư pháp, hộ tịch mà còn là cơ hội gặp gỡ, học hỏi, trao đỏi kinh nghiệm. Cũng qua đây, những người làm công tác quản lý hiểu rõ hơn tâm tư nguyện vọng của cán bộ mình ở cấp cơ sở.
Huy Hoàng