​​​​​​​​​​​​​​​

Bộ Tư pháp họp Nhóm rà soát quy định pháp luật về kiểm tra chuyên ngành để phục vụ việc rà soát văn bản QPPL theo Quyết định số 236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

13/05/2020
Bộ Tư pháp họp Nhóm rà soát quy định pháp luật về kiểm tra chuyên ngành  để phục vụ việc rà soát văn bản QPPL  theo Quyết định số 236/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ
Chiều ngày 11/5/2020, ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL, Tổ phó Tổ giúp việc Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL và ông Đặng Thanh Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, Thành viên Bộ phận thường trực Tổ công tác đã chủ trì cuộc họp về tình hình thực hiện nhiệm vụ rà soát quy định pháp luật về kiểm tra chuyên ngành - là một trong 11 nhóm văn bản QPPL cần rà soát theo Quyết định số 822/QĐ-TCT ngày 10/4/2020 của Tổ trưởng Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2020 của Tổ công tác. Tham dự cuộc họp có một số thành viên Tổ giúp việc của Tổ công tác, đại diện tổ chức pháp chế các cơ quan có liên quan là: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan, Văn phòng Chính phủ.
     Tại cuộc họp, trên cơ sở thực tế rà soát các văn bản QPPL quy định về kiểm tra chuyên ngành, các đại biểu dự họp đã trao đổi, thảo luận để thống nhất phạm vi, đối tượng rà soát văn bản pháp luật quy định về kiểm tra chuyên ngành. Hầu hết các ý kiến phát biểu cho rằng, cần căn cứ theo khoản 10 Điều 3 Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và Mục 5 Phần II Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 để xác định phạm vi rà soát  quy định pháp luật về hoạt động kiểm tra chuyên ngành là gồm kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng phạm vi, đối tượng rà soát “quy định pháp luật về kiểm tra chuyên ngành” cần được hiểu bao gồm các quy định pháp luật, văn bản QPPL quy định về hoạt động kiểm tra có tính chuyên ngành, chuyên sâu trong các lĩnh vực, bao gồm cả kiểm tra chuyên ngành theo nội dung, phạm vi, chủ thể, đối tượng kiểm tra như quy định tại Nghị định số 85/2019/NĐ-CP và cũng bao gồm cả các hoạt động kiểm tra mang tính chuyên ngành, chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ trong các ngành, lĩnh vực khác.
 

     Căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành, trên cơ sở các ý kiến thảo luận và thực tiễn về nguồn lực, thời gian thực hiện nhiệm vụ, các đại biểu tham dự cuộc họp đã thống nhất xác định phạm vi rà soát quy định pháp luật về kiểm tra chuyên ngành là tập trung vào các văn bản QPPL quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, là nhóm quy định pháp luật có liên quan trực tiếp đến môi trường kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, qua đó phát hiện những vướng mắc, bất cập của các quy định pháp luật về kiểm tra chuyên ngành có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển để tham mưu đề xuất xử lý.
     Cũng tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL Đồng Ngọc Ba đã định hướng cho các công chức trực tiếp thực hiện  việc rà soát quy định pháp luật về kiểm tra chuyên ngành cách thức thực hiện rà soát văn bản bảo đảm chất lượng, hiệu quả theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.


Các tin khác