​​​​​​​​​​​​​​​

Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch rà soát văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ

18/02/2020
Vừa qua, để việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là rà soát văn bản) theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ bảo đảm tiến độ, chất lượng, tính toàn diện và hệ thống, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 209/QĐ-TTg ngày 07/02/2019 ban hành Kế hoạch thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Tư pháp.
     Trước đó, ngày 19 tháng 10 năm 2019, Tổng thư ký Quốc hội có Công văn số 3126/TTKQH-TH về việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật, trong đó,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến: “căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và những vấn đề thực tế đã đặt ra, đồng thời để nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc rà soát các quy định pháp luật, kịp thời phát hiện và khắc phục những vướng mắc trong hệ thống pháp luật, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan của Chính phủ tiến hành rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo chuyên đề hoặc lĩnh vực và có báo cáo chung về kết quả rà soát để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2020”. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 09 tháng 12 năm 2019, tại Nghị quyết số 117/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2019, Chính phủ quyết nghị: “Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng, có sự tham gia của các bộ, cơ quan liên quan để rà soát những quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; lập danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 quyết nghị: “Thành lập Tổ công tác rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, xác định các vướng mắc, bất cập, chồng chéo và kịp thời sửa đổi, bổ sung để giải phóng mọi nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội” và xác định nhiệm vụ cụ thể “rà soát, sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển”.
     Theo đó, Kế hoạch được ban hành với mục tiêu nhằm xác định nội dung các công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện rà soát văn bản; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật; nâng cao chất lượng công tác xây dựng, áp dụng, thi hành pháp luật. Đồng thời xây dựng Báo cáo của Chính phủ về rà soát văn bản các lĩnh vực quản lý nhà nước, báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2020.
     Kế hoạch đã xác định 04 nhiệm vụ chính cần triển khai thực hiện, bao gồm: Xây dựng tài liệu hướng dẫn xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện rà soát văn bản; Xây dựng Kế hoạch rà soát văn bản tại các bộ, cơ quan ngang bộ; Tổ chức thực hiện rà soát văn bản; Báo cáo kết quả rà soát văn bản.
     Để kịp thời thực hiện Kế hoạch một cách bài bản, khoa học, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thực hiện Kế hoạch, trình Chính phủ Báo cáo của  Chính phủ về rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Đồng thời, yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ căn cứ nội dung Kế hoạch này và tình hình thực tế của bộ, cơ quan ban hành Kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ được giao; kịp thời trao đổi, phối hợp với Bộ Tư pháp để xử lý những khó khăn, vướng mắc hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý.
     Theo đó, Báo cáo của Chính phủ về rà soát văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước sẽ được trình Chính phủ trong tháng 7-2020 để xem xét báo cáo Quốc hội. Từ đó sẽ có các giải pháp sửa đổi, bổ sung các văn bản còn vướng mắc, bất cập, chồng chéo để giải phóng mọi nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội./.