​​​​​​​​​​​​​​​

Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính rà soát quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, kìm hãm sự phát triển

18/02/2020
Việc thực hiện nhiệm vụ rà soát văn bản theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là hoạt động phức tạp với số lượng văn bản quy phạm pháp luật cần rà soát rất lớn liên quan đến tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ. Do đó, công tác tổ chức thực hiện đòi hỏi sự bài bản, khoa học và sự quan tâm đầu tư, bố trí các nguồn lực cần thiết, xứng tầm cho việc triển khai nhiệm vụ quan trọng này. Ngày 12/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02/2020 thành lập Tổ công tác của của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
     Tổ công tác có các nhiệm vụ quan trong như: Tư vấn, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật tại các bộ, cơ quan ngang bộ; Tổ chức rà soát độc lập, chuyên sâu theo nhóm các luật có nội dung liên quan; xem xét, cho ý kiến đối với kết quả rà soát từ luật đến thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ để tiếp tục hoàn thiện kết quả rà soát; Chỉ đạo tổng hợp kết quả rà soát, hoàn thiện Báo cáo của Chính phủ về rà soát văn bản văn bản quy phạm pháp luật để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp cuối năm 2020.
     Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng tổ công tác và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) làm Tổ phó Tổ công tác hoạt động dưới sự điều hành, chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ. Tổ công tác còn có sự tham gia của  đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc. Đặc biệt với mong muốn tham vấn sâu rộng các đối tượng chỉnh Tổ công tác còn mời đại diện lãnh đạo các cơ quan: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
     Bên cạnh việc phát huy sự chủ động, tích cực, tinh thần trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ trong việc thực hiện rà soát văn bản, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng  chịu trách nhiệm về hoạt động của Tổ công tác và có trách nhiệm: Ban hành Quy chế hoạt động của Tổ công tác, Kế hoạch hoạt động của Tổ công tác; cử Bộ phận thường trực, thành lập Tổ giúp việc của Tổ công tác; Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, điều hành hoạt động của Tổ công tác, phân công nhiệm vụ cho các Tổ phó và các thành viên Tổ công tác; chỉ đạo, điều hành hoạt động của Bộ phận thường trực và Tổ giúp việc Tổ công tác; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Tổ công tác, chỉ đạo chuẩn bị nội dung, các vấn đề đưa ra thảo luận ở Tổ công tác, ký các văn bản của Tổ công tác; Xử lý các đề xuất, kiến nghị của các thành viên Tổ công tác; Báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nhiệm vụ của Tổ công tác; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung, thay đổi thành viên Tổ công tác (khi cần thiết); sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Tổ công tác; thay mặt Tổ công tác phát biểu ý kiến của Tổ công tác khi được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.
     Với sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, được tổ chức và hoạt động bài bản, khoa học với sự tham gia sâu rộng của nhiều cơ quan, tổ chức, Tổ công tác  về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được kì vọng sẽ thực hiện tốt vai trò nhiệm vụ của mình theo đúng tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ “xác định các vướng mắc, bất cập, chồng chéo và kịp thời sửa đổi, bổ sung để giải phóng mọi nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội”“rà soát, sớm phát hiện và có biện pháp khắc phục các quy định pháp luật chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển”./.