Tập trung hoàn thành 6 nghị định, 2 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi)

18/08/2024
Tập trung hoàn thành 6 nghị định, 2 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi)
Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sáng 17-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với các đề xuất của thành phố Hà Nội, giao Văn phòng Chính phủ tham mưu ban hành kết luận chỉ đạo, trước mắt tập trung hoàn thành 6 nghị định, 2 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô.
Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu 10 ấn tượng cũng là 10 điểm sáng của thành phố Hà Nội thời gian qua, lưu ý 6 hạn chế còn tồn tại; đồng thời chỉ đạo 5 nhiệm vụ trọng tâm, 10 nhiệm vụ cụ thể yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ ấn tượng về sự đoàn kết thống nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội, thực sự theo đúng tinh thần chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”. Cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố cũng đã tích cực đổi mới tư duy, đổi mới cách làm, luôn sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; nỗ lực tăng trưởng kinh tế, xây dựng thể chế kinh tế thị trường; huy động các nguồn lực cho phát triển, thu hút FDI được đẩy mạnh; đầu tư công khắc phục được dàn trải, làm mới các động lực tăng trưởng cũ như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, cùng với đó đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; phát huy giá trị văn hoá, con người Hà Nội.
Hà Nội tiếp tục là lá cờ đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục, y tế…; an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi được nâng cao; quốc phòng an ninh được giữ vững, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; chương trình nông thôn mới, công tác xoá đói giảm nghèo được làm tốt…
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các đồng chí lãnh đạo, cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân Thủ đô đã nỗ lực phấn đấu đạt những thành tựu quan trọng, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của cả nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ, GRDP 6 tháng đầu năm của Hà Nội thấp hơn mức tăng chung của cả nước; tiềm năng huy động nguồn lực xã hội lớn nhưng cơ chế, chính sách, cách làm chưa tương xứng; ô nhiễm môi trường (không khí, nước…), ùn tắc giao thông còn phức tạp; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch tập trung mới đạt 90%, còn 124 xã chưa được cung cấp nước sạch; đầu tư xây dựng các khu xử lý rác thải, chất thải còn chậm; một số dự án hạ tầng trọng điểm chậm tiến độ; kỷ cương hành chính có chuyển biến nhưng chậm và chưa đạt yêu cầu. Tỷ trọng kinh tế số còn thấp, chuyển đổi số còn chậm; xếp hạng Chỉ số PCI năm 2023 giảm 8 bậc so năm 2022; công tác phối hợp có lúc thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả…
Nhấn mạnh bối cảnh chung còn nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới, đặc biệt là yêu cầu, nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô, Thủ tướng lưu ý Hà Nội phải có quan điểm, nhận thức thực sự sát tình hình, có nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả hơn; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, nhất là quan điểm xây dựng Hà Nội trở thành Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội. Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hà Nội và đề nghị Hà Nội phải quyết tâm thực hiện thật tốt: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.

Biến di sản thành tài sản và truyền cảm hứng cho dân
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội rà soát lại các mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ các cấp thành phố Hà Nội, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, 10 năm, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, từ đó xác định những gì đã làm được rồi thì phấn đấu tốt hơn, những gì chưa làm được phải phấn đấu nhiều hơn, những gì khó thực hiện thì phải có giải pháp đột phá.
Trên cơ sở đó, những mục tiêu chưa đạt, mục tiêu cần phải đột phá thì cần phải thể hiện với quyết tâm cao, sự đoàn kết thống nhất, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công thực hiện “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, hành chính, ý thức của cán bộ, công chức để huy động mọi nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững.
 
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo Chính phủ và thành phố Hà Nội tại trụ sở Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là quan tâm hoàn thành đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các công trình trọng điểm. “Vừa qua, Hà Nội đã làm tốt, cần làm tốt hơn nữa, phấn đấu giải ngân đầu tư công đạt 100% vào cuối năm; trong đó các cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc quyết liệt trong giải phóng mặt bằng”- đồng chí Phạm Minh Chính nêu rõ.
Thủ tướng đề nghị thành phố phải tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, đồng thời đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm. Hà Nội phải tiên phong trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Thủ đô thông minh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) (phấn đấu vào tốp 5, ít nhất phải vào tốp 10 của cả nước), chỉ số cải cách hành chính (PAPI), đặc biệt coi trọng chỉ số hài lòng của người dân; giải quyết vấn đề về hạ tầng đô thị từng bước, kiên trì, tích cực liên quan giao thông, y tế, giáo dục, xã hội, môi trường…
Thủ tướng lưu ý Hà Nội không được để thiếu thuốc, thiếu bác sĩ, bảo đảm cơ sở vật chất, giáo viên cho năm học mới, không để tăng giá trong lĩnh vực giáo dục; làm tốt công tác tăng lương; bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất; rà soát các nhiệm vụ văn hoá, thể thao, tập trung nâng tầm văn hóa Thủ đô ngang tầm Thủ đô nghìn năm văn hiến, biến di sản thành tài sản; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, tổ chức tốt Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, qua đó tạo động lực, truyền cảm hứng cho người dân.
Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân; làm cho du khách đến Hà Nội cảm thấy yên tâm, cảm thấy rõ Hà Nội thực sự là Thủ đô của lương tri, Thành phố Vì hoà bình; đồng thời đẩy mạnh công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế.
Về các đề xuất của thành phố Hà Nội, Thủ tướng cơ bản nhất trí, đề nghị Hà Nội đáp ứng các yêu cầu của các bộ, ngành, cần cụ thể hoá Luật Thủ đô (sửa đổi) có nhiều điểm mới, cơ chế, chính sách. Đồng chí giao Văn phòng Chính phủ tập hợp, báo cáo các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách các lĩnh vực, phân công cho các bộ, ngành phụ trách với tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”; trước mắt tập trung hoàn thành 6 nghị định, 2 thông tư hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô.