Luật Thủ đô 2024, gỡ vướng thể chế cho Hà Nội bứt phá

26/07/2024
Luật Thủ đô 2024, gỡ vướng thể chế cho Hà Nội bứt phá
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho hay, để triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024, nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết là 6 nội dung, giao thành phố Hà Nội là 52 nội dung; cùng với đó là rất nhiều đề án, các quyết định cụ thể, dự án, đề án…
Ngày 25/7, Báo Kinh tế và Đô thị đã tổ chức tọa đàm “Luật Thủ đô 2024 - bệ phóng thể chế để Hà Nội bứt phá”.
Tham dự tọa đàm có các diễn giả: Ông Nguyễn Công Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng; Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao thông vận tải Hà Nội.
Nhiều điểm mới quan trọng
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Xuân Khánh cho biết: "Tổ chức tọa đàm này, chúng tôi kỳ vọng, gợi mở để cùng các chuyên gia, nhà quản lý phân tích, làm rõ hơn về những chính sách nổi bật trong Luật Thủ đô 2024, về tầm quan trọng của những cơ chế, chính sách đột phá, vượt trội đối với thực tiễn hiện nay.
Đồng thời, từ thực tiễn, phân tích, đề xuất thêm các ý kiến liên quan trong quá trình xây dựng hệ thống văn bản để cụ thể hóa các quy định trong Luật theo hướng đồng bộ, chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi, đặc biệt là các chính sách mới liên quan đến phát triển đô thị, chuyển đổi số, đổi mới, sáng tạo, để đáp ứng yêu cầu trong thực tiễn theo mục tiêu đã đặt ra. Qua đó, cùng góp phần để các cơ chế, chính sách đảm bảo tính khả thi, tạo hiệu quả như mong muốn khi Luật Thủ đô đi vào cuộc sống".
Là thành viên Tổ Biên tập Luật Thủ đô, ông Nguyễn Công Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho hay, Luật có nhiều điểm mới quan trọng như tổ chức chính quyền đô thị - được quy định thành một chương, với rất nhiều nội dung phân quyền của các cơ quan Trung ương cho thành phố Hà Nội.
Đồng thời, Luật quy định cơ chế đầu tư, xây dựng đường sắt đô thị theo định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng (TOD), phát triển nông thôn; các chính sách về y tế và an sinh xã hội; chính sách về phát triển khoa học công nghệ; quy định chế thử nghiệm có kiểm soát...
 
Ông Nguyễn Công Anh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội.

Bên cạnh đó, Luật tiếp tục bổ sung các cơ chế đã có sẵn về tài chính như: Huy động nguồn lực về tài chính và quy hoạch phát triển đô thị, phát triển giao thông.
Nội dung rất quan trọng nữa là phát triển văn hóa Thủ đô, phát huy tính đầu tàu của Thủ đô, đó là nội dung về liên kết vùng, quy định cho Thủ đô được sử dụng ngân sách của mình hỗ trợ các tỉnh có liên quan và đầu tư ra các tỉnh xung quanh... Đây là những nội dung thể hiện rõ chính sách Thủ đô là đầu tàu của vùng cũng như cả nước để thu hút các nguồn lực phát triển...

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô
Thạc sĩ Phan Trường Thành đánh giá rất cao các cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải đã được đề cập trong Luật Thủ đô sửa đổi, và cho rằng, đây thật sự là các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô.

Thạc sĩ quản lý đô thị Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

Theo ông Thành, Luật Thủ đô đã dành nguyên một điều tạo ra 7 - 8 nhóm chính sách để huy động nguồn lực cho Thủ đô. Điều này góp phần khắc phục những hạn chế, như trong lĩnh vực giao thông, hiện nguồn ngân sách của Trung ương cũng như Thành phố hỗ trợ cho Hà Nội mới đạt ở mức khiêm tốn.
Bên cạnh đó, một loạt nội dung liên quan cơ chế, chính sách khuyến khích nhà đầu tư, nhất là phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, nổi bật là mạng lưới đường sắt đô thị, mà trong Nghị quyết 98/2023/QH15 đã nêu ra nhưng chưa cụ thể được.
Cụ thể, trong Luật có một số đột phá lớn, như cho phép Thủ đô được Quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật của Thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
“Khác với trước đây, trong quá trình thực hiện có rất nhiều nội dung cần điều chỉnh phải triển khai các thủ tục, từ xin chủ trương đến lập, thẩm định phê duyệt, điều chỉnh mất rất nhiều thời gian, qua nhiều cấp, từ Thủ đô, đến Bộ Xây dựng và đến Thủ tướng Chính phủ. Theo kinh nghiệm, để điều chỉnh được một vấn đề thường mất đến 12 tháng, nay giao lại cho Hà Nội sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, tăng tính chủ động, rút ngắn thủ tục”, ông Thành nói.
Bên cạnh đó, Luật cho phép Thủ đô được phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công, dự án PPP (không sử dụng vốn Trung ương) mà không giới hạn tổng mức vốn đầu tư; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công, dự án PPP đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công, dự án PPP có sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương, sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao...

Giúp Hà Nội có quyền tự chủ
Quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng Nguyễn Hoàng Hiệp nhìn nhận Luật Thủ đô rất quan trọng với thành phố Hà Nội, với mục tiêu, định hướng rõ ràng, sẽ xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
 
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng Nguyễn Hoàng Hiệp.

Theo ông Hiệp, Luật Thủ đô là “cơ hội vàng”, giúp Hà Nội có quyền tự chủ, và ông mong muốn Hà Nội tạo ra cơ chế để thực hiện chuyển đổi số, đồng thời, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể, rà soát hiện trạng - nhìn lại chúng ta đã làm được gì để điều chỉnh, khắc phục cho lộ trình mới.
“Cùng với đó, theo tôi, Hà Nội cần có cơ chế sử dụng, đào tạo nhân tài, phải có định hướng phục vụ chung cho chuyển đổi số. Đồng thời, cần bố trí nguồn vốn, ví dụ xây dựng trung tâm quản lý dữ liệu cũng cần nguồn vốn lớn. Khi có nguồn vốn thì một phần phục vụ hành chính công, một phần phải ưu tiên doanh nghiệp bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn phát triển ứng dụng số nhưng họ không có nguồn vốn, không có chính sách hỗ trợ về vốn...
Tôi cho rằng, cần phải làm triệt để tất cả những nội dung nêu trên nhằm tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển chuyển đổi số trong thời gian tới”, ông Hiệp nói.
Để triển khai thi hành Luật, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Nguyễn Công Anh cho hay, nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết trong Nghị định là 6 nội dung, giao thành phố Hà Nội 52 nội dung; cùng với đó là rất nhiều đề án, các quyết định cụ thể, dự án, đề án… để triển khai cụ thể Luật Thủ đô.
“Quy định về áp dụng Luật Thủ đô là quy định hoàn toàn mới và khác với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật Thủ đô là luật đặc thù từ phân cấp, phân quyền, đặc thù từ cơ chế, chính sách, khác với các luật khác. Luật Thủ đô được quyền khác với luật khác và không chịu ràng buộc bởi các luật khác”, ông Nguyễn Công Anh cho hay.
Phương Thảo