Luật Thủ đô (sửa đổi): Rộng mở để “cất cánh hóa Rồng”

23/07/2024
Luật Thủ đô (sửa đổi): Rộng mở để “cất cánh hóa Rồng”
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua, với tỷ lệ đại biểu tán thành rất cao (chiếm 95,06%). Với 9 nhóm chính sách mới đặc thù, vượt trội, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Thành phố, Luật Thủ đô (sửa đổi) chắc chắn sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để gỡ vướng các bất cập hiện nay, giúp Thủ đô phát triển.
Đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho chính quyền Thành phố
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai tin tưởng, cùng với Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã xin ý kiến của Quốc hội và sẽ trình Thủ tướng để phê duyệt trong thời gian tới, Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được kỳ vọng sẽ tạo khuôn khổ, giá trị chính trị, pháp lý cho Thủ đô Hà Nội để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chính sách, đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô trong thời gian tới.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhìn nhận, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đồng thời thảo luận và thông qua 3 nội dung rất quan trọng là Quy hoạch Thủ đô, Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và Luật Thủ đô (sửa đổi). Đây là một cơ hội rất hiếm có, để tạo ra bứt phá, tạo định hướng và cơ sở pháp lý để Thủ đô thực hiện những định hướng này.
Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam cho rằng, Luật Thủ đô là một trong những cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu “cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”. Một trong những vấn đề cốt lõi trong Luật Thủ đô là các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước; quan trọng nhất là phát huy được truyền thống Thủ đô ngàn năm văn hiến và Thủ đô văn minh, hiện đại.
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã luật hóa các nội dung về phân cấp, phân quyền cho các cấp hành chính của các địa phương, từ thành phố đến các quận, các phường, từ đó có cơ chế ủy quyền, phân cấp, giúp cấp ủy và chính quyền Thành phố phát huy tiềm năng, lợi thế.
Có thể nói, về bản chất, Luật Thủ đô (sửa đổi) là Luật về phân cấp, ủy quyền. Cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố Hà Nội để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.
Một trong các điểm mới quan trọng đầu tiên của Luật là quy định về tổ chức chính quyền đô thị, chính sách thu hút trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao, ưu đãi cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô... đội ngũ trực tiếp triển khai, đưa Luật vào cuộc sống.
Kế thừa mô hình chính quyền đô thị đang thực hiện thí điểm hiện nay, Luật quy định cấp phường không tổ chức Hội đồng nhân dân. Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước, được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Thủ đô.
Đồng thời, tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Cụ thể, Thành phố được bầu 125 đại biểu Hội đồng nhân dân, với số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách ít nhất là 25%. Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố hoạt động chuyên trách, gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, không quá 3 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên. Số lượng thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố do Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định, bảo đảm không quá 11 người…
Hội đồng nhân dân Thành phố xác định số lượng biên chế


Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ cụ thể hóa Luật để thúc đẩy kinh tế- xã hội Thủ đô bước sang giai đoạn phát triển mới.
 
Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được trao nhiều thẩm quyền, trong đó có việc quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố chưa được quy định hoặc khác với quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; quyết định thay đổi tên gọi, điều chỉnh chức năng của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính hiện có. Việc thành lập thêm cơ quan phải bảo đảm tổng số cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố không vượt quá 15% khung số lượng do Chính phủ quy định.
Đồng thời, Hội đồng nhân dân Thành phố xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước do Thành phố quản lý căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của Thành phố, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước trình cấp có thẩm quyền quyết định...
Cũng theo đại biểu Trương Xuân Cừ, Thủ đô Hà Nội đã được chứng minh là một trong những trung tâm thu hút nhân tài, các nhà khoa học của cả nước. Luật Thủ đô đã dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, trong đó xác định vấn đề xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, đội ngũ khoa học là hết sức quan trọng, thậm chí là cơ chế quyết định để phát triển và nâng tầm Thủ đô.
“Tôi cho rằng, Thủ đô với truyền thống, kinh nghiệm đã thu hút nhân tài, các nhà khoa học trước đây thì với chính sách mới, với những cơ sở pháp lý mới sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế và Hà Nội chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người tài.
Từ đó, Hà Nội sẽ là một trong những địa phương có đầy đủ các yếu tố “địa lợi, nhân hòa” để phát huy tốt các nhà khoa học. Đây là một trong những yếu tố, tác nhân hết sức quan trọng để phát triển Thủ đô thời gian tới”, ông Cừ nói.
Thủ đô phải là trung tâm chính trị, văn hóa
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tin tưởng, Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo ra hành lang pháp lý phù hợp hơn, thuận lợi hơn cho sự phát triển không chỉ riêng cho Thủ đô mà còn cho cả đất nước.


Hà Nội luôn xác đinh văn hóa là nền tảng, động lực phát triển (Ảnh minh họa một góc Thủ đô nhìn từ Nhà hát lớn).
 
Một trong những điều PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá rất cao, rất tích cực trong Luật Thủ đô lần này là những quy định về văn hóa. Hà Nội luôn tự hào là Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ tỏa sáng những giá trị văn hóa của đất nước. Chính vì thế, những điều, khoản tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa Thủ đô cũng tạo điều kiện cho sự tỏa sáng của văn hóa đất nước.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, điều quan trọng hiện nay là phải hỗ trợ Thủ đô hoàn tất hệ thống tuyến đường sắt đô thị trong Thủ đô và mở rộng không gian phía Nam, phía Bắc sông Hồng, lấy sông Hồng làm trục trung tâm, để Hà Nội trở thành nơi đáng đến và đã đến rồi thì giờ muốn trở lại.
Nhưng, ông Ngân cho rằng, phải giữ được không gian văn hóa, nét đẹp riêng có của Thủ đô. “Tôi vẫn thích Thủ đô có “phố nhỏ, ngõ nhỏ”, phải giữ được cái hồn cốt trong khu vực 36 phố cũ, chỉ chỉnh trang lại. Phải giữ cho được cái trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa ngàn năm văn hiến, chứ không phải Thủ đô là trung tâm kinh tế, nét đẹp văn hóa của Thủ đô là quan trọng nhất”, ông Trần Hoàng Ngân mong muốn.
 
Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định rõ, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp, liên tục của các cấp chính quyền và người dân thành phố Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô.

Phương Thảo