Ngày 25/9, Liên hiệp Liên hiệp hội tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với 02 dự án Luật: Công chứng (sửa đổi); Địa chất và khoáng
Sau nhiều lần tiếp thu ý kiến, cơ quan chủ trì soạn thảo đã chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện dự án Luật Công chứng (sửa đổi) tập trung vào 05 nhóm vấn đề lớn, gồm: Công chứng bản dịch; nghĩa vụ của công chứng viên gia nhập Hội công chứng viên; công chứng điện tử; cơ sở dữ liệu công chứng; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tổ chức hành nghề công chứng. Bên cạnh đó, hiện nay dự thảo Luật còn có 02 nhóm vấn đề còn có ý kiến khác nhau, đó là: Các loại giao dịch phải công chứng; về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng.
Theo ý kiến nhận xét của đại biểu tham dự Hội thảo, dự án Luật Công chứng (sửa đổi) - bản dự thảo tháng 9/2024 tương đối hoàn chỉnh, gồm 12 chương, 79 điều, quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng. Các đại biểu nhất trí cao với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Tuy nhiên để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tiễn, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục chỉnh lý, bổ sung một số nội dung để dự thảo Luật được hoàn thiện hơn, cụ thể: (i) Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), đề nghị lựa chọn phương án 1 “Luật này quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng”, vì phương án này quy định khái quát đầy đủ các nội dung cơ bản được điều chỉnh trong dự thảo của Luật; (ii) Tại điểm l khoản 2 Điều 16 dự thảo Luật có nêu 2 phương án về “nghĩa vụ của công chứng viên”, đề nghị chọn phương án 1 “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là thành viên hợp danh”, vì quy định như vậy là rõ ràng và cụ thể; (iii) Về văn phòng công chứng (Điều 20 dự thảo Luật) nêu 2 phương án, đề nghị lựa chọn phương án 2, vì quy định cụ thể, rõ ràng việc thành lập Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân tại các địa bàn cấp huyện có mật độ dân số thấp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa phát triển, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, tạo thuận lợi cho việc áp dụng khi Luật có hiệu lực mà không cần phải chờ văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; (iv) Quy định về chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của toàn bộ thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng (Điều 29), đề nghị chọn phương án 1, vì cho phép “trong thời hạn 02 năm kể từ ngày chuyển nhượngphần vốn góp của mình, công chứng viênđược phépđề nghị thành lập Văn phòng công chứng hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhânvà để tạo điều kiện cho công chứng viên được hoạt động công chứng dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân”; (v) Về trách nhiệm quản lý nhà nước về công chứng của Bộ Tư pháp (khoản 2 Điều 71 dự thảo Luật) có nêu 2 phương án, đề nghị chọn phương án 1 “Rà soát, cập nhật, công bốcác giao dịch phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp”, vì quy định cụ thể, đầy đủ và thể hiện tính công khai, minh bạch trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong công tác quản lý nhà nước về công chứng để nhân dân biết, thực hiện và giám sát việc thực hiện; (vi) Quy định về tiếng nói, chữ viết dùng trong công chứng là tiếng Việt (Điều 6), quy định như vậy là chưa thể hiện rõ chính sách của Nhà nước ta về sử dụng tiếng nói, chữ viết của 53 dân tộc thiểu số đã được quy định tại khoản 3 Điều 5 Hiến pháp năm 2013, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý theo hướng “Sử dụng tiếng nói, chữ viết trong hoạt động công chứng bằng tiếng Việt; đồng thời đề cao việc sử dụng tiếng nói, chữ viết của cá nhân, tổ chức thuộc các dân tộc thiểu số khi yêu cầu công chứng, bao gồm sử dụng phiên dịch và sử dụng tiếng nói, chữ viết củangườidân tộc thiểu số”.
Đối với dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, qua nhiều lần lấy ý kiến đóng góp, tiếp thu và chỉnh lý, dự thảo Luật (ngày 10/9/2024) gồm 12 chương, 116 điều, quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra địa chất về khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; hoạt động khoáng sản; thu hồi khoáng sản; chế biến khoáng sản; tài chính về địa chất, khoáng sản và đấu giá quyền khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong phạm vi đất liền, hải đảo, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Các đại biểu nhất trí cao với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Song cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện một số nội dung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cụ thể: (i) Về việc giao cơ quan có thẩm quyền xây dựng Quy hoạch khoáng sản để trình Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (Điều 12, 13 và 14), dự thảo nêu ra 2 phương án, đề nghị chọn phương án 1 là “GiaoBộ Tài nguyên và Môi trườnglậpQuy hoạch khoáng sảnvà trình Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”, vì phương án này nhằm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện”, hơn nữa việc giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản chủ trì lập, trình phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản sẽ bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong quá trình lập quy hoạch và tạo sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả từ khâu điều tra, quy hoạch, cấp phép thăm dò, khai thác, kiểm tra, thanh tra trong hoạt động khoáng sản; (ii) Về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 15), đề nghị chọn phương án 1, vì pháp luật về quy hoạch (Luật quy hoạch năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết) là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện lập, phê duyệt cũng như điều chỉnh quy hoạch trong các lĩnh vực, vì thế các cơ quan, tổ chức phải tuân theo thực hiện, như vậy Luật mới bảo đảm được tính thống nhất, đồng bộ trong trong quá trình thực hiện; (iii) Về các nguyên tắc trong hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản (quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật) là chưa đảm bảo tính chính xác, chưa phù hợp quy định tại Điều 12 Hiến pháp năm 2013 là “…hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Namlà thành viên…”, vì vậy đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét chỉnh lý cho phù hợp với quy định của Hiến pháp; (iv) Quy định về khu vực cấm hoạt động khoáng sản (khoản 1 Điều 28 dự thảo Luật) là chưa hợp lý, bởi vì mới chỉ là “kết quả điều tra địa chất về khoáng sản” mà đã coi là yếu tố làm cơ sở để khoanh định khu vực cấm hoạt động khoáng sản, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh lý và quy định cụ thể và rõ nghĩa hơn là “Sau khi điều tra địa chất về khoáng sản mà thấy khu vực này có yếu tố xác định nếu tiếp tục thăm dò, khai thác khoáng sản thì sẽ sập hầm mỏ hoặc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc xẩy ra thảm họa về địa chất…thì sẽ cấm hoạt động khoáng sản”; (v) Trách nhiệm quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản: Chương XI dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp về quản lý nhà nước đối với địa chất, khoáng sản, nhưng lại chưa quy định nội dung quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản để làm cơ sở cho Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện trách nhiệm của mình trong quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, vì vậy đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung thêm một Điều quy định nội dung quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản vào đầu của Chương XI làm cơ sở tổ chức thực hiện; (vi) Quy định về thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản (Điều 112): Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản, việc quy định như vậy là không chuẩn xác, đề nghị Cơ quan soạn thảo chỉnh sửa quy định cụ thể là: “Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh”có thẩm quyền cấp, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi giấy phép thăm dò khoáng sản, giấy phép khai thác khoáng sản”; (vii) Quy định về thanh tra chuyên ngành về địa chất khoáng sản (Điều 113 dự thảo Luật) là không phù hợp, bởi vì tổ chức, chức năng, hoạt động của thanh tra chuyên ngành đã được quy định cụ thể trong Luật Thanh tra số 11/2022/QH15 ngày 14/11/2022, vì thế đề nghị bỏ Điều 113 trong dự thảo Luật cho phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 15/7/2020 là “Văn bản quy phạm pháp luật … không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác…”.
Các ý kiến tham gia, đóng góp đối với 2 dự thảo Luật được Liên hiệp hội tỉnh Hà Giang tổng hợp báo cáo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để phản ánh về Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị với Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 10 năm 2024./.
Cao Hồng Kỳ, Liên hiệp Hội Hà Giang