Quốc hội thảo luận Dự án Luật Người cao tuổi: 80 tuổi được hưởng trợ cấp xã hội

22/10/2009
Quan tâm, dành những chính sách “đặc biệt” cho người cao tuổi là chuyện rất nên làm - Đó là nhận định của phần đa các đại biểu Quốc hội tuy nhiên, quy định thế nào để khả thi là nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận trong chiều qua 21/10.

Không nên cào bằng độ tuổi

Theo phương án Chính phủ trình, người cao tuổi là người 60 tuổi. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định này là phù hợp. Pháp lệnh Người cao tuổi cũng quy định người cao tuổi là người từ 60 tuổi trở lên. Thực tế thời gian qua quy định này đã đi vào cuộc sống và không nên sửa đổi. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Tuyết Minh (Kiên Giang) và Trương Văn Nọ (Cần Thơ) thì có cùng ý kiến không nên cào bằng độ tuổi mà nên quy định, với nam là 60 tuổi, nữ là 55, để phù hợp với Bộ luật Lao động và Pháp lệnh Cán bộ, công chức.

Trước một số ý kiến cho rằng, nên đưa người cao tuổi là người nước ngoài vào phạm vi điều chỉnh của luật. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tán thành với quy định của Dự thảo Luật: chỉ điều chỉnh người cao tuổi của Việt Nam. Quy định như vậy để đảm bảo tính khả thi cũng như phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.

Giảm tuổi được hưởng trợ cấp xã hội

Theo quy định hiện hành, người từ 85 tuổi trở lên mà không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Trên thực tế, số người từ 85 tuổi trở lên không nhiều nên đề xuất giảm độ tuổi (xuống 80) được hưởng trợ cấp xã hội được phần lớn đại biểu quốc hội tán thành. Tuy nhiên, về điều kiện được hưởng trợ cấp, đại biểu Bùi Thị Lê Phi (Cần Thơ) không đồng ý điều kiện được hưởng phải là không có lương hưu, trợ cấp vì những khoản đó là nhà nước trả cho những đóng góp của họ. Bà Phi cho rằng, đã là người cao tuổi từ 80 trở lên thì đều được hưởng trợ cấp xã hội như nhau. Còn đối với người nghèo có thể mức trợ cấp cao hơn. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Vi Trọng Lễ đề nghị bổ sung các đối tượng là người cao tuổi những người phải nuôi dưỡng trẻ dưới 16 tuổi được hưởng trợ cấp xã hội. “Mức 180 ngàn theo đề xuất của Chính phủ không đảm bảo cuộc sống tối thiểu của người cao tuổi”, đại biểu Lê Thị Nguyệt, Vĩnh Phúc lên tiếng. Bà Nguyệt cho rằng mức tiền trợ cấp không nên lấy theo chuẩn nghèo vì chuẩn này luôn có sự thay đổi.

Ưu tiên nhưng phải khả thi

Chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi, dành cho họ những ưu tiên đặc biệt là chủ trương được các đại biểu Quốc hội tán đồng cao. Tuy nhiên, làm sao các quy định trên không là hình thức? Đại biểu Vi Trọng Lễ cho rằng quy định trạm y tế phải cử cán bộ đến nhà người cao tuổi khám bệnh. Ủy ban xã, phường, thị trấn đưa người cao tuổi đến nơi chữa bệnh sẽ không khả thi. Theo ông Lễ, chỉ nên khuyến khích những nơi có điều kiện. Đại biểu Phùng Chí Kiên (Sơn La) ủng hộ: Các xã khó khăn đi lại vài chục cây, cán bộ có vài người thì quy định nói trên là rất khó thực hiện.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định nói trên thể hiện trách nhiệm của nhà nước và tính ưu việt của chế độ. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ cho rằng để đảm bảo tính khả thi cần chỉnh lý lại theo hướng bổ sung trách nhiệm của UBND cấp xã bố trí kinh phí cho các trạm y tế thực hiện và khuyến khích tổ chức, cá nhân tổ chức khám, chữa bệnh cho người cao tuổi tại nơi cư trú. Liên quan đến vấn đề giảm giá vé, dịch vụ cho người cao tuổi, nhiều đại biểu tán thành với Dự thảo Luật chỉ quy định về nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị việc giảm giá chỉ nên quy định đối với những cơ sở dịch vụ sử dụng ngân sách nhà nước. Có ý kiến cho rằng nên vận động xã hội cùng tham gia vào vấn đề này, xem đây là trách nhiệm của cả cộng đồng với người cao tuổi.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) phản ứng, vì cho rằng những quy định về giảm giá vé, dịch vụ cho người cao tuổi chỉ nhắm vào đối tượng người có điều kiện về kinh tế (ví dụ giảm giá vé vào khu vui chơi), còn thực sự người cao tuổi ở vùng sâu, xa, nơi mà suốt năm, suốt tháng họ không đi ra ngoài thì họ lại không được hưởng các ưu đãi này.

Thu Hằng