Quy định về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước

28/07/2018
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 676/QĐ-VPCP ngày 27 tháng 7 năm 2018 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.


Theo Quyết định có 13 nội dung công việc sẽ được triển khai tại Văn phòng Chính phủ. Cụ thể:
1. Xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia:. Xây dựng yêu cầu kỹ thuật Trục liên thông văn bản quốc gia (nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu: văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến, báo cáo điện tử, thủ tục hành chính, công báo điện tử…); Lập Kế hoạch thuê dịch vụ CNTT đối với dự án “Xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia”; Tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ thuê dịch vụ công nghệ thông tin đối với dự án “Xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia”; Tổ chức ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu đối với dự án “Xây dựng Trục liên thông văn bản quốc gia”.
2. Hoàn thiện Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc phù hợp với Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg , kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia và phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử trong Văn phòng Chính phủ.
3. Rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản tại Văn phòng Chính phủ phù hợp với Quyết định số 28/2028/QĐ-TTg.
4. Tổ chức sơ kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quy chế mẫu về tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản tại Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định số 2014/QĐ-VPCP ngày 20 tháng 12 năm 2010 và số 1467/QĐ-VPCP ngày 11 tháng 10 năm 2010 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm).
5. Xây dựng, trình Bộ trưởng, Chủ nhiệm ban hành quy định mã định danh của các Vụ, cục, đơn vị phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các đơn vị.
6. Tổ chức tập huấn sử dụng hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc và gửi, nhận văn bản điện tử tại Văn phòng Chính phủ.
7. Hoàn thiện Phần mềm lưu trữ phục vụ lưu văn bản điện tử.
8. Tổ chức quản lý, định kỳ sao lưu văn bản điện tử và phải bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong quá trình thực hiện.
9. Phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng thư số cho các Vụ, cục, đơn vị, các cán bộ, công chức, viên chức thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử.
10. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối với các bộ, ngành, địa phương phục vụ kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia.
11. Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an giám sát, kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin cho Trục liên thông văn bản quốc gia.
12. Phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Thông tư quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư, các chức năng cơ bản của Hệ thống quản lý tài liệu điện tử và Thông tư quy định tiêu chuẩn dữ liệu thông tin đầu vào, yêu cầu bảo quản tài liệu lưu trữ điện tử.
13. Phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2004 của Chính phủ.
Quyết định cũng nêu rõ 6 nhiệm vụ triển khai với các Bộ, Ngành, địa phương, cụ thể như sau:
1. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về gửi, nhận văn bản điện tử (dự kiến 3 lớp tập huấn).
2. Tổ chức triển khai kết nối, liên thông tại các bộ, ngành, địa phương đã sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ (dự kiến 10 bộ, ngành và 15 địa phương):Phối hợp triển khai kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành với Trục liên thông văn bản quốc gia; Thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử giữa các bộ, ngành, địa phương và Văn phòng Chính phủ; Thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các bộ, ngành, địa phương.
3. Tổ chức triển khai kết nối, liên thông tại các bộ, ngành, địa phương chưa sẵn sàng về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và giải pháp kết nối, liên thông: Khảo sát hiện trạng hạ tầng kỹ thuật công nghệ, phần mềm quản lý văn bản và điều hành; Hỗ trợ, hướng dẫn triển khai kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản và điều hành; Thử nghiệm gửi, nhận văn bản điện tử; Thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử giữa các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ.
4. Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương.
5. Kiểm tra tình hình kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử.
6. Định kỳ Báo cáo kết quả tình hình thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.