Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật

20/07/2018
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ phối hợp tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật
Ngày 18/7/2018, tại trụ sở Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Chính phủ tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật. Hội nghị được tổ chức cả ngày 18/7/2018 với sự tham gia của đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Hội nghị do đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đồng chủ trì.
Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo về việc tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và 2019. Tiếp sau đó, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày báo cáo về tình hình triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2018, năm 2019 và tình hình nghiên cứu, đề xuất để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm thực hiện các Nghị quyết TW lần thứ 4, 5, 6 và 7...; thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, yêu cầu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 và Kết luận số 01-KL/TW ngày 04/4/2016 của Bộ Chính trị); (iv) việc phê chuẩn và thực hiện Hiệp định CPTPP; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo chương trình hành động, mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển.
Theo Báo cáo của Chính phủ, trong các tháng cuối năm 2018, Chính phủ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và chuẩn bị mới trình Quốc hội 16 dự án luật tại Kỳ họp thứ 6; trong năm 2019, Chính phủ sẽ trình 17 dự án luật. Ngoài ra, qua rà soát, ngoài những luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành trong thời gian qua, thì giai đoạn từ nay đến năm 2020 còn một lượng lớn các luật, pháp lệnh (43 luật, pháp lệnh) cần phải được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, chưa kể các dự án luật, pháp lệnh khác để thể chế hóa Nghị quyết TW lần thứ 7 đang được tiếp tục rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành. Trong số này, có 13 luật đã được đưa Chính phủ đề xuất và Quốc hội đưa vào Chương trình năm 2018 và 2019; 09 luật Chính phủ đã có chỉ đạo và các bộ đang gấp rút nghiên cứu, lập đề nghị, dự kiến trình Chính phủ để đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình năm 2018 và năm 2019; 21 luật, pháp lệnh còn lại đang được các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, trong đó, có nhiều dự án phải xác định lại sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh.
Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cũng nhận định, trong thời gian qua, việc thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ đã có nhiều chuyển biến rõ nét, đạt được những kết quả tích cực cả về mặt tiến độ và chất lượng các dự án luật, pháp lệnh trình. Chất lượng đa số dự án luật, pháp lệnh cơ bản được bảo đảm. Các dự án luật, pháp lệnh đều được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao (hầu hết các dự án luật đều được thông qua với tỷ lệ trên 80%).
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Hội nghị được tổ chức rất kịp thời và có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định, đánh giá những kết quả đạt được; trao đổi và đề xuất các biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua; trong đó tập trung nắm tình hình triển khai, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, quyết tâm thực hiện các giải pháp bảo đảm hoàn thành phần còn lại của Chương trình năm 2018 và chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình năm 2019 vừa mới được Quốc hội thông qua, thống nhất chủ trương điều chỉnh, bổ sung Chương trình trong thời gian tới để kịp thời triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến nay, với tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo điều hành. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, nghiên cứu để đề xuất xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là các dự án luật, pháp lệnh, trong đó trọng tâm là thể chế về môi trường đầu tư, kinh doanh.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nhận định nhiệm vụ xây dựng pháp luật trong thời gian tới của các cơ quan, trong đó có Chính phủ là rất nặng nề. Do vậy, các cơ quan có liên quan, từ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đến Chính phủ, các bộ, ngành của Chính phủ đều phải nỗ lực rất lớn, tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh thì mới có thể bảo đảm được tính khả thi của Chương trình, bảo đảm chất lượng và tiến độ trình các dự án. Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện nghiêm túc các giải pháp đặt ra, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ ngày từ đầu với các cơ quan của Quốc hội trong nghiên cứu, soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, cũng như trong tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua; yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kết quả công tác xây dựng pháp luật của cơ quan mình. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc triển khai Chương trình năm 2018, năm 2019 và dành thêm thời gian cho việc thảo luận, cho ý kiến về các dự án luật, pháp lệnh do Chính phủ trình.