Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics

20/07/2018
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.
Chỉ thị nêu rõ, để giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, góp phần tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, với mục tiêu phát triển dịch vụ logistics: đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8% - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15% - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50% - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16% - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Các bộ, ngành và địa phương, theo chức năng và nhiệm vụ được giao có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 với 06 nhóm nhiệm vụ chính: 1- Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; 2- Nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng logistics; 3- Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; 4- Phát triển thị trường dịch vụ logistics; 5- Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; 6- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics đối với sự phát triển của đất nước.
Chỉ thị cũng giao Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cụ thể: Khẩn trương rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh; thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh các loại hình vận tải và dịch vụ vận tải đa phương thức. Cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải; hoàn thành nhiệm vụ về đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như: các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, vận tải biển, dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ lai dắt tàu biển, vận tải đường thủy nội địa, vận tải đường sắt; Nâng cấp, mở rộng hệ thống công nghệ thông tin trong các lĩnh vực giao thông vận tải để tham gia triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN, góp phần tạo thuận lợi thương mại và tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia; Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi chính sách thuế, phí, giá dịch vụ để tạo thuận lợi cho hoạt động logistics; giảm tối đa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ tại các cảng biển, cảng thủy nội địa, nhà ga, sân bay... để giảm thời gian làm thủ tục, thông quan. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; phát triển sàn giao dịch vận tải, sàn giao dịch logistics.
Bộ Công Thương tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, cơ chế, chính sách để thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 theo Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ; Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...) và các địa phương rà soát các quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội chung; Tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan (đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính...) hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics;...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại I, đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế; Khuyến khích một số khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng hình mẫu khu công nghiệp dựa trên nền tảng logistics; Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics; Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê về logistics; Ban hành mã số đăng ký kinh doanh theo nhóm ngành cho dịch vụ logistics;
Bộ Tài chính: Nghiên cứu xây dựng chính sách thuế, phí, giá dịch vụ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức; Đẩy mạnh áp dụng Cơ chế Một cửa Quốc gia, áp dụng Cơ chế Một cửa Quốc gia cho tất cả các thủ tục liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh, người và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, cảng cạn, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia để từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại; Căn cứ định hướng phát triển và thực tế điều kiện tại địa phương, chủ động phối hợp với các bộ, ngành tổ chức kêu gọi đầu tư xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống logistics trên địa bàn.