Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với hoạt động đăng ký quyền tác giả

06/02/2017
Đây là một trong những mục tiêu tại Quyết định số 88/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực quản lý và thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
Theo đó, đến năm 2020: Hệ thống các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ Trung ương đến địa phương được củng cố, kiện toàn, đồng bộ và có sự phối hợp chặt chẽ; trong đó tập trung vào các tỉnh, thành phố trọng điểm hình thành các ngành công nghiệp văn hóa; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 đối với hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; 70% cán bộ quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương được tham gia chương trình tập huấn nghiệp vụ; Khoảng 500 lượt người là các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan được tham dự các lớp tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan mỗi năm.
Mục tiêu của Đề án này phấn đấu đến năm 2025: 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cán bộ kiêm nhiệm hoặc chuyên trách quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; Cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; 100% cán bộ quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương được tham gia chương trình tập huấn nghiệp vụ; Khoảng 700 lượt người là các chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan tham dự các lớp tập huấn về quyền tác giả, quyền liên quan mỗi năm.
Đề án đưa ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu là:
Nghiên cứu, rà soát, đánh giá để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan trong hệ thống pháp luật hiện hành, bảo đảm phù hợp thông lệ quốc tế;
Tăng cường năng lực quản lý và thực thi: Trong nhóm này có nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, trong đó tập trung vào đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương; Bố trí nhân lực làm công tác quản lý và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương, trong đó Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có cán bộ chuyên trách; Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, hướng tới hoạt động chuyên nghiệp.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hợp tác quốc tế. Trong nhóm này có nhiệm vụ xây dựng Bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản quyền tác giả, quyền liên quan theo thông lệ quốc tế; bộ công cụ phần mềm quản lý và tra cứu phát hiện vi phạm trên Internet; Liên thông giữa cơ sở dữ liệu về đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan với Hệ thống dữ liệu của các cơ quan thực thi, tạo thuận lợi trong kiểm tra, phát hiện vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; Áp dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến đối với hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Tranh thủ sự hỗ trợ của các quốc gia và tổ chức quốc tế để tiến tới ký kết các chương trình hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật và tham gia toàn diện vào các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các chủ thể quyền, cá nhân, tổ chức khai thác, sử dụng và công chúng. Trong nhóm giải pháp này có nhiệm tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về các quyền lợi, trách nhiệm, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; Tổ chức các chương trình hoạt động tương tác; huy động xã hội hóa trong công tác truyền thông để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.