Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong Bộ luật dân sự

20/01/2017
Về khái niệm quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Điều 663 BLDS năm 2015 quy định: Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: (i) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; (ii) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; (iii) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Tuy nhiên, một số VBQPPL hiện hành chưa có sự thống nhất với quy định của BLDS năm 2015.
Ví dụ:
- Khoản 25 Điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; Điều 3, Điều 28 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài là một nhóm chủ thể riêng biệt trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
- Điểm d khoản 3 Điều 3 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng quy định “Hợp đồng xây dựng có yếu tố nước ngoài là hợp đồng xây dựng được ký kết giữa một bên là nhà thầu nước ngoài với nhà nhà thầu trong nước hoặc chủ đầu tư trong nước”…
Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới VBQPPL để bảo đảm thống nhất với quy định của BLDS năm 2015. Trong trường hợp theo quy định của điều ước quốc tế (như Công ước La Hay năm 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong nuôi con nuôi quốc tế), việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài căn cứ trên yếu tố nơi thường trú của các bên có liên quan thì cần thống nhất cách quy định về “nơi thường trú”, không sử dụng tiêu chí “định cư” như hiện nay.
Về vị trí của các quy phạm xung đột
Điều 664 BLDS năm 2015 quy định “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam”.
Khi sửa đổi, bổ sung các đạo luật có liên quan, như Luật doanh nghiệp, Luật xây dựng, Luật đầu tư… nhằm luật hóa các quy phạm xung đột trong các văn bản này cũng như VBQPPL dưới luật liên quan.
Về áp dụng tập quán quốc tế
Theo quy định tại Điều 666 BLDS năm 2015 thì tập quán quốc tế được áp dụng nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán quốc tế đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Tuy nhiên, một số VBQPPL hiện hành chưa có sự thống nhất với quy định của BLDS năm 2015, ví dụ: Luật chuyển giao công nghệ năm 2006, Luật thương mại năm 2005, Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000, được sửa đổi, bổ sung năm 2010; Luật đầu tư năm 2014; Luật trọng tài thương mại năm 2010… quy định việc áp dụng tập quán quốc tế nếu tập quán quốc tế không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới VBQPPL để bảo đảm thống nhất với quy định của BLDS năm 2015.
Về các trường hợp không áp dụng pháp luật nước ngoài
Theo quy định tại Điều 670 BLDS năm 2015 thì pháp luật nước ngoài được dẫn chiếu đến không được áp dụng trong trường hợp “hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.
Tuy nhiên, một số VBQPPL hiện hành chưa có sự thống nhất với quy định của BLDS năm 2015, ví dụ: Luật chuyển giao công nghệ năm 2006; Luật đầu tư năm 2014; Luật hôn nhân và gia đình năm 2014; Luật thương mại năm 2005; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư… quy định việc áp dụng pháp luật nước ngoài nếu pháp luật nước ngoài không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật Việt Nam.
Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới VBQPPL để bảo đảm thống nhất với quy định của BLDS năm 2015.
Về pháp luật áp dụng đối với hợp đồng
- Điều 683 BLDS năm 2015 quy định pháp luật áp dụng cho hợp đồng (pháp luật do các bên thỏa thuận, nếu các bên không thỏa thuận, pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó) cũng áp dụng với hình thức hợp đồng và “trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam”.
- Khoản 4 Điều 683 BLDS năm 2015 quy định “Trong hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản”.
Tuy nhiên, một số VBQPPL hiện hành chưa có sự thống nhất với quy định của BLDS năm 2015. Ví dụ: Điều 11 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng quy định “Hợp đồng xây dựng phải áp dụng hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tuân thủ các quy định của Nghị định này”…
Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới VBQPPL để bảo đảm thống nhất với quy định của BLDS năm 2015 theo hướng: (i) Mở rộng về pháp luật áp dụng với hình thức hợp đồng để tránh các trường hợp hợp đồng vô hiệu vì hình thức; (ii) Cho phép các bên áp dụng pháp luật nước ngoài.