Ngân hàng thế giới (WB): THADS góp phần quan trọng bảo đảm thông thoáng môi trường đầu tư kinh doanh

06/02/2017
Ngân hàng thế giới (WB): THADS góp phần quan trọng bảo đảm thông thoáng môi trường đầu tư kinh doanh
“Doing Business” là báo cáo đánh giá thường niên của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về những quy định thúc đẩy hoặc cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực kinh tế tư nhân của 190 nền kinh tế thế giới thông qua 11 lĩnh vực của đời sống kinh doanh.
Trong 11 lĩnh vực đánh giá của Báo cáo, có 10 nội dung liên quan đến xếp hạng thông thoáng môi trường đầu tư kinh doanh (Ease of doing business ranking), bao gồm: Khởi nghiệp (Starting a business), Cấp phép xây dựng (Dealing with contruction permits), Bảo đảm nguồn điện (Getting electricity), Đăng ký tài sản (Registering Property), Bảo đảm tín dụng (Getting credit), Bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số (Protecting minority investors), Đóng thuế (Paying taxes), Thương mại qua biên giới (Trading across borders), Bảo đảm thực thi hợp đồng (Enforcing contracts) và Giải quyết phá sản (Resolving insolvency).
Năm 2017, các quốc gia được xếp hạng tốp đầu trong thông thoáng môi trường đầu tư kinh doanh là New Zealand, Denmark, Hong Kong China, United States, Sweden. Các quốc gia tốp cuối gồm Afghanistan, South Sudan, Libya, Somalia. Các quốc gia trong ASEAN, Sigapore xếp hạng 2/190, Malaysia xếp hạng 23/190, Thailand xếp hạng 46/190, Brunei Darussalam xếp hạng 72/190, Indonesia xếp hạng 91/190, Philipines xếp hạng 99/190, Cambodia xếp hạng 131/190, Lao PDR xếp hạng 139/190, Myanmar xếp hạng 170/190. Theo Báo cáo năm 2017, Việt Nam được xếp hạng 82/190 với số điểm đạt 63,83/100, cụ thể: Khởi nghiệp xếp hạng 121, Cấp phép xây dựng xếp hạng 24, Bảo đảm nguồn điện xếp hạng 96, Đăng ký tài sản xếp hạng 59, Bảo đảm tín dụng xếp hạng 32, Bảo vệ các nhà đầu tư thiểu số xếp hạng 87, Đóng thuế xếp hạng 167, Thương mại qua biên giới xếp hạng 93, Bảo đảm thực thi hợp đồng xếp hạng 69 và Giải quyết phá sản xếp hạng 125.
Theo Báo cáo, một cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng hiệu quả là hết sức thiết yếu đối với phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững. Các nền kinh tế có hệ thống tư pháp hiệu lực với các toà án đủ năng lực bảo đảm việc thực thi các nghĩa vụ hợp đồng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn các thị trường tín dụng, bảo vệ các quyền tài sản, cải thiện mội trường kinh doanh, thúc đẩy đổi mới và đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vì vậy, bảo đảm thực thi hợp đồng (Enforcing contracts) là một tiêu chí quan trọng của Ngân hàng thế giới khi xếp hạng thông thoáng môi trường đầu tư kinh doanh của mỗi quốc gia.
Việc xếp hạng bảo đảm thực thi hợp đồng (Enforcing contracts) được đánh giá chủ yếu qua các tiêu chí về thời gian và chi phí bảo đảm việc thực thi. Ngoài ra, chất lượng của quá trình tố tụng cũng là một tiêu chí quan trọng. Theo Báo cáo, việc bảo đảm thực thi hợp đồng thông qua việc giải quyết tranh chấp của các toà án tại Việt Nam năm 2017 là 400 ngày với chi phí 29% giá trị tài sản tranh chấp, xếp hạng 69/190 (năm 2016 xếp hạng 68). Trong khu vực, Trung Quốc xếp hạng 5, Malaysia xếp hạng 42, Thailand xếp hạng 51, Lao PDR xếp hạng 88, Philipines xếp hạng 136 và Indonesia xếp hạng 166.
Theo Báo cáo, tại Việt Nam, trong 400 ngày bảo đảm thực thi hợp đồng, thụ lý của toà án là 50 ngày, xét xử và phán quyết là 200 ngày và thực thi phán quyết của toà án là 150 ngày. Trong 29% chi phí, chi phí luật sư chiếm 21%, án phí chiếm 5% và phí thi hành bản án là 3%.
So sánh với các nền kinh tế khác, thời gian bảo đảm thực thi hợp đồng của Singapore là 164 ngày trong đó thụ lý là 6 ngày, xét xử và phán quyết là 118 ngày và thực thi phán quyết của toà án là 40 ngày; Australia là 395 ngày, trong đó thụ lý là 7 ngày, xét xử và phán quyết là 328 ngày và thực thi phán quyết của toà án là 60 ngày; Hàn Quốc là 290 ngày, trong đó thụ lý là 20 ngày, xét xử và phán quyết là 150 ngày và thực thi phán quyết của toà án là 120 ngày; Nga (Matxcova) là 340 ngày, trong đó thụ lý là 60 ngày, xét xử và phán quyết là 160 ngày và thực thi phán quyết của toà án là 120 ngày; Thailand là 440 ngày, trong đó thụ lý là 60 ngày, xét xử và phán quyết là 260 ngày và thực thi phán quyết của toà án là 120 ngày; Malaysia là 425 ngày, trong đó thụ lý là 35 ngày, xét xử và phán quyết là 270 ngày và thực thi phán quyết của toà án là 120 ngày; Lao PDR là 443 ngày, trong đó thụ lý là 30 ngày, xét xử và phán quyết là 278 ngày và thực thi phán quyết của toà án là 135 ngày; Cambodia là 483 ngày, trong đó thụ lý là 63 ngày, xét xử và phán quyết là 250 ngày và thực thi phán quyết của toà án là 170 ngày; Philipines là 842 ngày, trong đó thụ lý là 58 ngày, xét xử và phán quyết là 580 ngày và thực thi phán quyết của toà án là 204 ngày./.
                                   Nguyễn Xuân Tùng                                                                                      
             Thạc sỹ luật so sánh Đại học Melbourne, Australia                                         
                Chánh Văn phòng Tổng cục THADS Bộ Tư pháp

Tài liệu tham khảo:
1. World Bank Group: Doing Business 2017 tại http://www.doingbusiness.org/.
2. World Bank Group: Doing Business 2017 - Economy Profile 2017 Vietnam tại http://www.doingbusiness.org/data/exploreeconomies/vietnam.