Cần đổi mới cơ chế thi hành án hành chính

10/03/2016
Ngày 25/11/2015, Luật tố tụng hành chính đã được thông qua tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII và sẽ có hiệu lực vào 01/7/2016. Luật đã dành Chương XIX với 7 điều (từ Điều 309 đến Điều 315) quy định Thủ tục thi hành bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính, trong đó quy định chi tiết thẩm quyền, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tư pháp, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan có liên quan trong việc thi hành án hành chính. Theo đó Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước; phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; định kỳ hàng năm báo cáo Quốc hội về công tác thi hành án hành chính.
Công tác thi hành án hành chính có những nét đặc thù riêng biệt so với các loại thi hành án khác: vừa mang tính tự nguyện, vừa mang tính cưỡng chế; đối tượng của thi hành án hành chính là các quyết định liên quan chủ yếu đến cơ quan hành chính nhà nước;... Việc thi hành án trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do đối tượng phải thi hành án chây ì, không chủ động thi hành án, chưa có chế tài xử phạt,... nay không còn cơ chế đôn đốc của cơ quan thi hành án dân sự (mặc dù cơ chế này thể hiện nhiều sự bất cập trong thời gian qua), mà thay vào đó là cơ chế chủ động thi hành bản án, quyết định hành chính của Tòa án. Trong khi pháp luật chưa thực sự hoàn thiện và thống nhất, điều này khiến chủ thể được thi hành án trong bản án, quyết định của Tòa án hành chính càng thêm khó khăn trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tại Khoản 3 Điều 314 Luật tố tụng hành chính năm 2015 đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng Nghị định quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, tuy nhiên, phạm vi điều chỉnh của Nghị định chưa thể bao quát hết các đối tượng phải thi hành án. Đối với công tác thi hành án hình sự có Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự,… thi hành án dân sự có Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật thi hành án dân sự,…làm cơ sở. Trong khi đó công tác thi hành án hành chính hiện nay mới chỉ được quy định tại Chương XIX với 7 điều (từ Điều 311 đến Điều 317 Luật tố tụng hành chính năm 2015). Đặt ra vấn đề có cần xây dựng một Bộ luật thi hành án điều chỉnh các lĩnh vực thi hành án nói chung (Thi hành án hình sự; thi hành án dân sự; thi hành án hành chính,...) để đảm bảo cho công tác thi hành án được đồng bộ, thống nhất và toàn diện về mọi mặt,… đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, tôn trọng và đảm bảo quyền con người, góp phần hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Nguyễn Phúc Đạt - Tổng cục Thi hành án dân sự