Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua

23/02/2016
Sáng nay (23/2), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Dược (sửa đổi) và thống nhất dự thảo Luật đủ điều kiện để trình QH xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3/2016).

Ưu tiên phát triển công nghiệp dược

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết, có đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị phát triển ngành dược thành một ngành kinh tế kỹ thuật mũi nhọn và ưu tiên phát triển công nghiệp dược. Thường trực Ủy ban thấy rằng, việc định hướng phát triển toàn bộ ngành công nghiệp dược ở Việt Nam thành một ngành công nghiệp mũi nhọn là định hướng lâu dài, trong giai đoạn tới, dự thảo Luật quy định tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp dược và tập trung phát triển ngành công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền, đây là những thế mạnh vốn có của Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định về y học cổ truyền (YHCT) như, tạo điều kiện phát hiện, đăng ký lưu hành, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; kế thừa và bảo mật bài thuốc cổ truyền; các bài thuốc do bệnh viện YHCT sản xuất được bán trong hệ thống cơ sở khám chữa bệnh bằng YHCT; miễn thử lâm sàng/một số giai đoạn thử lâm sàng với bài thuốc YHCT được Bộ Y tế công nhận; quy định về gìn giữ và phát huy các bài thuốc quý; cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) cho người hành nghề tại các hộ kinh doanh thuốc cổ truyền.

Nên quy định chính sách nhập khẩu dược liệu

Thực tế hiện nay cho thấy, ngoài việc nhập khẩu qua đường chính ngạch, dược liệu còn được nhập khẩu vào Việt Nam qua nhiều đường khác và sử dụng cho các mục đích khác nhau (sản xuất thuốc YHCT, thực phẩm chức năng, thực phẩm) nên cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát được chất lượng dược liệu nhập khẩu để làm thuốc YHCT. Việc này làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bằng YHCT, về lâu dài làm giảm uy tín và thương hiệu của YHCT Việt Nam. Để đảm bảo chất lượng của dược liệu và sự phát triển của YHCT Việt Nam, do tính chất của mặt hàng này, cần có cơ chế đặc thù để quản lý nhập khẩu dược liệu làm thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Do đó, dự thảo Luật đã chỉnh lý tại Điều 64 theo hướng giao Chính phủ quy định việc quản lý nhập khẩu dược liệu để phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, Bộ Y tế đã thực hiện việc cấp phép nhập khẩu một số dược liệu làm thuốc YHCT để kiểm soát chất lượng dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị nên quy định ngay trong Luật về chính sách nhập khẩu dược liệu vì nguyên liệu làm thuốc chủ yếu nhập khẩu là vấn đề này rất lớn, để lại cho Chính phủ quy định là chưa đáp ứng yêu cầu.

Lo lắng cấp CCHN dược 5 năm/lần phát sinh thủ tục

Qua thảo luận tại QH, nhiều ĐBQH nhất trí với dự thảo Luật là cấp CCHN có thời hạn 5 năm; có ý kiến đề nghị quy định cấp CCHN dược một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp CCHN cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm khi mà cải cách hành chính có tiến bộ.

Nhưng Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện không đồng tình quy định thời hạn CCHN Dược (5 năm/lần) được quy định trong dự thảo Luật Dược (sửa đổi) vì “Dược là một nghề chứ không phải là chức vụ có thời hạn, mà không thể sau 5 năm thì người được cấp chứng chỉ hành nghề (CCHN) lại dốt đi để cần cấp lại. Hơn nữa, tham nhũng nhiều rồi thì không nên làm phát sinh thủ tục như vậy”.

Theo Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, “CCHN chỉ cấp một lần, không thể cứ vài năm lại gọi đến cấp lại” nhưng phải thường xuyên kiểm tra việc thực thi bán thuốc, việc cho thuê/mượn bằng để kiểm soát hoạt động bán thuốc. “Nếu cửa hàng không đủ điều kiện thì đình chỉ hoạt động cửa hàng. Thủ tục hành chính phải phù hợp với hoạt động kinh doanh, chứ không liên quan đến CCHN” – Chủ tịch QH đề nghị. Đồng thời, Chủ tịch QH cũng phản ánh tình trạng mà theo ông là “độc ác” trong quản lý cấp CCHN là “có tiền mới cấp chứng chỉ, không có tiền không cấp” để đề nghị cân nhắc không quy định về thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề Dược trong dự thảo Luật này.

Theo bà Trương Thị Mai, việc cấp CCHN 05 năm/lần tuy phù hợp với thông lệ quốc tế và giúp quản lý được chất lượng hành nghề, cập nhật kiến thức chuyên môn nhưng trong điều kiện thủ tục hành chính chưa được cải cách triệt để thì lại có thể gây phiền hà, chưa phù hợp với xu thế cải cách hành chính hiện nay.

Bên cạnh đó, Chủ tịch QH cho rằng cần xem xét việc cấp CCHN Dược cho phù hợp thực tế, khuyến khích được những người có khả năng khám chữa bệnh bằng Đông y và nhấn mạnh, “những người hành nghề lếu láo, hại dân, dùng thuốc tây pha mùi thuốc đông y thơm thơm để bán cho dân thì không được cấp”.

Do còn hai loại ý kiến khác nhau, bà Trương Thị Mai đề nghị đưa ra 2 phương án cấp CCHN có thời hạn 5 năm và phương án cấp CCHN dược 1 lần để ĐBQH cho ý kiến. Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng lưu ý, cần giảm bớt thủ tục nhiêu khê khi cấp CCHN Dược, dù có thời hạn hay cấp 1 lần”./.

H.Giang