Triển khai công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp năm 2016

01/02/2016
Triển khai công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp năm 2016
Chiều 29/1, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp năm 2016. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cùng nhiều đại biểu đại diện cho các đơn vị trong và ngoài Bộ đã tham dự Hội nghị.

Phó Trưởng Ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (Chương trình 585) – Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết: Năm 2015, Chương trình đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, góp phần tạo chuyển biến về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, tạo lập các điều kiện cần thiết để doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chương trình cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng, hội nghị đối thoại; tổ chức phổ biến kiến thức về pháp luật kinh doanh thông qua Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… Những hoạt động này đã có những kết quả cụ thể, tạo kênh thông tin quan trọng, kịp thời để tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật kinh doanh, đặc biệt là các chính sách pháp luật liên quan đến các hiệp định thương mại, các chính sách hội nhập kinh tế quốc tế. Từ đó, giúp các doanh nghiệp từng bước khắc phục tình trạng gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, áp dụng pháp luật vào sản xuất kinh doanh.

 

 

Tuy nhiên, nhìn lại công tác hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp cho thấy, sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và một số tổ chức đại diện cho doanh nghiệp còn hạn chế, chưa thường xuyên dẫn đến việc xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp theo lĩnh vực quản lý của từng bộ, ngành, địa phương chưa cập nhật hết những nhu cầu hỗ trợ mang tính thời sự, theo từng lĩnh vực, từng ngành nghề kinh doanh. Ông Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, không ít cơ quan lúng túng, hạn chế trong việc xác định đúng mục tiêu, yêu cầu của hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp dẫn đến việc tổ chức triển khai Chương trình còn thiếu trọng tâm, trọng điểm.

 

 

Trong bối cảnh hiện nay, có nhiều bộ luật, luật mới được thực thi liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực như Hiệp định TPP, FTA, Việt Nam – EU… mà doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần tiếp cận. Vì vậy, thời gian tới, một trong những ưu tiên của Chương trình 585 là hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để thực hiện được mục tiêu này, Ban Quản lý Chương trình 585 sẽ phát huy hơn nữa vai trò của các Bộ, ngành, tổ chức đại diện doanh nghiệp, các đoàn luật sư và các địa phương trong phối hợp triển khai các hoạt động của Chương trình; lồng ghép các kế hoạch, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do các Bộ, ngành, địa phương ban hành; tiếp tục  triển khai đồng bộ các hoạt động thuộc các dự án của Chương trình như xây dựng, phát triển trang thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiêp; tổ chức các hội nghị đối thoại về các vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh...

 

 

Nhiều ý kiến tại Hội nghị cho thấy việc triển khai Chương trình năm qua đã bám sát các mục tiêu, nội dung đặt ra. Bên cạnh đó, các đại biểu đưa ra nhiều kiến nghị như cần xác định rõ nhu cầu của từng nhóm doanh nghiệp; các chương trình phổ biến kiến thức pháp luật kinh doanh phải đặt mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp lên hàng đầu; tăng cường đối thoại chính sách; hỗ trợ chuyên sâu những quy định về hội nhập quốc tế; tìm kiếm mô hình hỗ trợ chuẩn cho doanh nghiệp, đặc biệt cần huy động nguồn lực hỗ trợ bên ngoài…

 

 

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đánh giá Chương trình 585 đã có sức lan tỏa, thể hiện cố gắng chung của các cơ quan liên quan. Trong thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị đa dạng sự tham gia Chương trình của nhiều đối tác thông qua đấu thầu các đầu việc; chú trọng bồi dưỡng các kiến thức về hợp tác quốc tế; chuyển hướng tổ chức thi hành pháp luật tại các doanh nghiệp. Đặc biệt, theo Thứ trưởng, các doanh nghiệp cũng phải tự mình vươn lên trong ý thức chấp hành pháp luật, tự mình tìm hiểu áp dụng pháp luật bởi pháp luật đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quá trình hội nhập đối với doanh nghiệp.


Ảnh Cục CNTT