Đàm phán hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu

22/01/2016

Trong 2 ngày 21-22/01/2016, tại Hà Nội đã diễn ra phiên đàm phán cấp cao lần thứ 5 về Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu. Được đánh giá là cánh cửa để gỗ Việt Nam vươn xa hơn ở thị trường Châu Âu, giúp doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt quảng bá hình ảnh, thương hiệu “Việt Nam là nhà máy sản xuất gỗ cho thế giới bằng nguồn gỗ hợp pháp,”[i] Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp gỗ Việt lại quan tâm sâu sắc đến tiến trình đàm phán Hiệp định này với thái độ vừa mừng vừa lo[ii] vậy Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT là gì? Vụ pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp giới thiệu một số thông tin tổng quan về Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT và quá trình đàm phán Hiệp định này.

Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT là gì?

Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) thuộc Chương trình Thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT) (gọi tắt là VPA/FLEGT) do Liên minh Châu Âu đề xuất. Đây là Hiệp định thương mại song phương ký giữa EU với quốc gia đối tác xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, theo đó: Quốc gia đối tác cam kết chỉ xuất khẩu vào EU gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp. Quốc gia đối tác thiết lập Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (TLAS ) để xác minh và cấp phép FLEGT cho gỗ và SPG sẽ xuất khẩu vào EU; và một cơ quan giám sát độc lập được hai Bên nhất trí làm nhiệm vụ giám sát hệ thống TLAS và cấp phép FLEGT[iii].

Lợi ích nào được kỳ vọng từ việc ký kết VPA?

Trong quá trình giới thiệu về VPA, EU đã khẳng định một số lợi ích kỳ vọng mang lại từ việc ký kết VPA với các đối tác bao gồm:

Cải thiện các quy định và quản trị rừng

Mỗi VPA định nghĩa ‘gỗ hợp pháp’, dựa trên luật pháp và các qui định của quốc gia đối tác. Nói chung, các luật liên quan gồm bảo vệ môi trường, qui định khai thác, nộp lệ phí, qui định vận chuyển và buôn bán gỗ, và các quyền sở hữu, bao gồm cả các quy chế của các cộng đồng sống dựa vào rừng. Định nghĩa tính hợp pháp đảm bảo rằng các quy định của Luật Lâm nghiệp phải được thực thi, phù hợp, dễ hiểu và khả thi – và cũng phản ánh các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường của quốc gia đối tác.

Từ góc độ quản lý nhà nước, đàm phán, thực thi VPA là cơ hội tốt cho quốc gia xuất khẩu gỗ cải thiện các qui định và quản trị rừng của quốc gia đó, tăng cường thực thi pháp luật và thúc đẩy việc quản lý rừng bền vững.

Về phía doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, khi Hiệp định có hiệu lực, hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp (TLAS) và cấp phép FLEGT chứng nhận tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ sẽ được thiết lập để kiểm soát và cấp phép sản phẩm gỗ khi xuất khẩu vào thị trường EU. Đổi lại, các lô hàng gỗ và sản phẩm xuất khẩu của các nước đối tác ký kết VPA với EU sẽ được tự do lưu thông tại EU mà không phải chịu trách nhiệm giải trình nguồn gốc gỗ theo Qui chế gỗ hợp pháp của EU (EUTR995/2010) như đối với các đối tác không tham gia VPA[iv].

Đảm bảo nguồn và sản xuất gỗ hợp pháp

Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp mạnh (TLAS) là cốt lõi của mỗi VPA. Hệ thống này cho phép các quốc gia xuất khẩu gỗ xác minh rằng gỗ và sản phẩm từ gỗ là có nguồn gốc và được sản xuất hợp pháp, và theo đó cấp ‘giấy phép FLEGT’ cho mỗi lô hàng được xác minh.

EU hỗ trợ để giúp mỗi quốc gia đối tác thực hiện hệ thống TLAS của mình. Một khi hệ thống được xây dựng và được chấp nhận thông qua đánh giá độc lập, EU sẽ chỉ chấp nhận gỗ đã được cấp phép FLEGT từ quốc gia đối tác[v].

Sự tham gia của các bên liên quan đến rừng và thúc đẩy phát triển bền vững

Bên cạnh các lợi ích nêu trên,  quá trình đàm phán VPA cũng được kỳ vọng rằng tạo cơ hội cho các bên liên quan đến rừng tại quốc gia sản xuất gỗ tham gia vào xây dựng các tiêu chuẩn tính hợp pháp của quốc gia, và đạt được sự đồng thuận về các quyền đối với rừng. Sự tham gia của khu vực tư nhân và xã hội dân sự có thể giúp tạo sự ủng hộ rộng rãi cho VPA. Một VPA cũng được kỳ vọng có thể hỗ trợ quốc gia đối tác đạt được các mục đích phát triển của mình. Những mục đích đó có thể là có thể gồm xóa đói giảm nghèo, đảm bảo công ăn việc làm và năng lực cạnh tranh, tăng thu ngân sách chính phủ, nâng cao năng lực khu vực tư nhân và chính phủ, tăng cường thượng tôn pháp luật và đảm bảo quyền của những người sống phụ thuộc vào rừng[vi].

Các nước với VPA/FLEGT

Hiện tại có 6 nước đã ký VPA với EU bao gồm Indonesia, Ghana, Cameroon, Liberia, Cộng hòa Congo và Cộng hòa Trung Phi, và các nước này đang tiến hành xây dựng các hệ thống nhằm kiểm tra, xác minh và cấp phép gỗ và các sản phẩm gỗ hợp pháp. Các nước trên được gọi là “các nước đối tác của VPA”. Chín quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, Lào, Thái Lan và Malaysia, đang tiến hành đàm phán với EU và 11 quốc gia khác ở châu Phi, châu Á, Trung và Nam Mỹ đã bày tỏ sự quan tâm đối với VPA[vii].

Chúng ta đang ở đâu trong tiến trình đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT?

Việt Nam và Liên minh Châu Âu bắt đầu đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT từ tháng 11.2010. Đến nay, hai Bên đã tiến hành bốn phiên đàm phán cấp cao tại Hà Nội và Brussels và 9 phiên họp chuyên gia kỹ thuật (JEM) và rất nhiều phiên họp kỹ thuật để thảo luận các nội dung của Hiệp định.

Song song với quá trình đàm phán, cả hai phía Việt Nam và EU đều đã tiến hành tham vấn rộng rãi với các Bên liên quan về nội dung các Phụ lục của Hiệp định, đặc biệt là về định nghĩa về gỗ hợp pháp và hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp,  quy định cấp phép FLEGT, công bố thông tin và đánh giá độc lập. Đặc biệt hai Bên duy trì kênh thông tin, thông cáo báo chí rộng rãi về kết quả của mỗi vòng đàm phán Hiệp định.

Về cơ quan chủ trì đàm phán:  Phía EU do Tổng cục Môi trường, Uỷ Ban Châu Âu chủ trì với sự hỗ trợ kỹ thuật của  Viện Lâm nghiệp Châu Âu (EFI). Đoàn đàm phán Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông (Tổng Cục Lâm nghiệp) chủ trì với sự tham gia của các Bộ: ngoại giao, Tư pháp, Công Thương, Tài Chính và Hiệp hội gỗ lâm sản Việt Nam. Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo FLEGT và Lacey đặt tại Tổng cục Lâm nghiệp làm nhiệm vụ thư ký, hỗ trợ cho tiến trình đàm phán VPA của Việt Nam. Một chuyên gia hỗ trợ FLEGT được tuyển dụng làm việc tại Việt Nam để hỗ trợ cả hai Bên trong quá trình đàm phán.  

Vòng đàm phán thứ 5 Hiệp định VPA/FLEGT diễn ra tại Hà Nội từ ngày 21-22/01/2016. Thông cáo báo chí về kết quả đàm phán nhấn mạnh: hai bên đã đạt được những tiến bộ quan trọng về cá vấn đề mấu chốt của Hiệp định, bao gồm Hệ thống gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS), phân loại rủi ro đối với kiểm soát gỗ nhập khẩu. Phiên đàm phán này cũng đã chuẩn bị cơ sở nền tảng cho việc kết thúc đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT theo tinh thần mà Lãnh đạo cấp cao hai bên đã tuyên bố.

Vụ Pháp luật quốc tế Bộ Tư pháp tham gia với vai trò là cơ quan tư vấn các vấn đề pháp lý trong quá trình đàm phán hiệp định này.

Vụ Pháp luật quốc tế, Bộ Tư pháp


[ii] http://kinhdoanhnet.vn/bat-dong-san/du-an/xuat-khau-go-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc_t114c18n2484

[iii] http://flegtvpa.com; http://flegtvpa.com/doanh-nghiep-xuat-khau-go-ky-vong-vao-de-tai-co-cau-nganh-lam-nghiep.html

[iv] http://flegtvpa.com/hiep-dinh-doi-tac-tu-nguyen-vpa-la-gi.html

[v] http://flegtvpa.com/hiep-dinh-doi-tac-tu-nguyen-vpa-la-gi.html

[vi] http://flegtvpa.com/hiep-dinh-doi-tac-tu-nguyen-vpa-la-gi.html

[vii] http://tongcuclamnghiep.gov.vn/dam-phan-vpa-flegt-voi-eu/viet-nam-va-lien-minh-chau-au-tien-hanh-phien-dam-phan-cap-cao-lan-thu-4-ve-hiep-dinh-doi-tac-tu-nguyen-vpa-flegt-a2052