Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật: "Sinh khí mới" từ những sáng tạo

02/02/2014
Mới phát huy hiệu lực được gần 400 ngày nhưng Luật phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đang từng bước tạo ra những điểm sáng trong công tác đưa pháp luật "hòa nhập" với thực tiễn cuộc sống...

Củng cố nguồn lực tạo "bước đà"

Củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác PBGDPL là việc làm đầu tiên và cũng việc làm "có kết quả rõ nét" sau khi Luật PBGDPL có hiệu lực bởi "nhân lực là yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động". Đến nay, đội ngũ Báo cáo viên PL, tuyên truyền viên PL tiếp tục được củng cố, kiện toàn từ Trung ương đến địa phương, cùng với đội ngũ báo cáo viên là cán bộ pháp chế ở các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, đội ngũ giáo viên dạy môn PL, môn giáo dục công dân ở các cơ sở giáo dục trên cả nước.

Phát triển số lượng phải đi kèm nâng cao năng lực hoạt động cho đội ngũ người làm công tác PBGDPL, đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn giáo dục công dân, PL trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân nên việc bồi dưỡng, tập huấn kiến thức PL, kỹ năng, nghiệp vụ PBGDPL, cung cấp tài liệu PL được Bộ Tư pháp và các Bộ, ban, ngành TƯ, địa phương quan tâm thực hiện.

Như quan điểm được khẳng định khi xây dựng Luật PBGDPL và trong các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác PBGDPL, "công tác PBGDPL là việc chung của toàn xã hội nên toàn xã hội cần chung tay thực hiện công tác PBGDPL". Vì thế, không chỉ củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên PL mà kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp theo Luật PBGDPL cũng là điều kiện để công tác PBGDPL thực sự là "công việc chung của các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương các cấp". Hiện đã có 06 Bộ, ngành, đoàn thể (Uỷ ban Dân tộc, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Chính, Bộ Công an, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam) và 61 địa phương đã tiến hành củng cố, kiện toàn được các Hội đồng này.

PBGDPL là công việc có "thâm niên" nên những hình thức PBGDPL "truyền thống" đã khẳng định tính hiệu quả trong việc thực hiện sứ mệnh "truyền tải tinh thần và qui định của hệ thống PL vào từng hành vi, quan hệ xã hội" nên đã được ghi nhận trong Luật PBGDPL và năm 2013, các hình thức PBGDPL này tiếp tục được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Song song với "phương pháp truyền thống", một số hình thức PBGDPL mới, sáng tạo đã được một số Bộ, ngành, địa phương áp dụng, đem đến "luồng sinh khí mới" cho công tác vốn hay bị đánh giá là "khô khan, đôi khi rơi vào lối mòn, hình thức" này, đưa công tác PBGDPL đã đến gần hơn với nhu cầu của người thụ hưởng, làm các qui định PL trở nên gần gũi hơn với cuộc sống...

Xã hội hóa rộng rãi để toàn xã hội "chung tay" PBGDPL 

Những điểm sáng dù còn khiêm tốn trong công tác PBGDPL đó đã tạo ra nhiều hy vọng về tương lai của công tác này. Song nếu một số hạn chế trong việc triển khai Luật PBGDPL như chậm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai, thi hành Luật PBGDP, nguồn lực để thực hiện Luật PBGDPL còn hạn chế, chất lượng, hình thức PBGDPL vẫn chưa thực sự tiệm cận nhu cầu và sự phát triển của xã hội... không được giải quyết sớm, kịp thời thì hiệu quả công tác PBGDPL "sẽ có vấn đề" là điều khó tránh khỏi.

Cũng như nhiều lĩnh vực khác, vấn đề đầu tiên cần khắc phục là nâng cao nhận thức của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương về vai trò và trách nhiệm trong công tác PBGDPL đối với sự phát triển chung của đất nước và từng địa phương. Có nhận thức tích cực về công tác PBGDPL thì công tác PBGDPL mới được quan tâm và đầu tư tương xứng. Thể hiện rõ nhất cho sự quan tâm đó chính là đội ngũ cán bộ tư pháp, cán bộ pháp chế thực hiện PBGDPL không chỉ được tăng cường về số lượng mà còn được nâng cao chất lượng, chế độ bồi dưỡng, nhất là đội ngũ cán bộ làm PBGDPL ở nhiều địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hải đảo...

Vì thế, một trong những giải pháp được kỳ vọng để tăng hiệu quả công tác PBGDPL là "từng bước xã hội hóa công tác PBGDPL, có lộ trình phù hợp để đến năm 2020, công tác PBGDPL được xã hội hóa rộng rãi. Nhà nước tập trung cho việc xây dựng thể chế, chính sách cho công tác PBGDPL; đầu tư kinh phí PBGDPL cho các đối tượng đặc thù theo Luật PBGDPL và công tác PBGDPL tại các lĩnh vực, địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn theo quy định của Luật PBGDPL và ít có tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí". Thực hiện chủ trương này, thông qua Chương trình "Chung tay xóa nghèo PL" do báo Pháp luật Việt Nam phát động với sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hảo tâm với việc phát hành báo Pháp luật Việt Nam miễn phí đến người dân và cán bộ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn 7 năm qua đã minh chứng được hiệu quả của chủ trương xã hội hóa PBGDPL đối với công tác PBGDPL.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp, thực hiện Luật PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, khả thi; nội dung pháp luật cần phổ biến gắn bó chặt chẽ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương. Đổi mới, đa dạng hình thức PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, chú trọng các đối tượng đặc thù trong Luật. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GDPL trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân... cũng sẽ được chú trọng triển khai để Luật PBGDPL thực sự đem đến được "sinh khí mới" cho công tác PBGDPL./.