Chính phủ tổ chức Phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật

27/12/2013
Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng cường đã báo cáo về tình hình soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh của Chính phủ Quý IV và cả năm 2013, nhiệm vụ trọng tâm năm 2014 và quý I năm 2014; tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh năm 2013 và nhiệm vụ năm 2014.

1. Kết quả đạt được

a) Công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh:

Nếu tính cả phiên họp chuyên đề lần này đến nay, Chính phủ đã cho ý kiến 27 dự án luật, pháp lệnh; phối hợp chỉnh lý 10 dự án luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong năm 2012. Trong đó đến nay, Quốc hội đã thông qua 17 dự án, cho ý kiến 9 dự án; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua 1 dự án, cho ý kiến 5 dự án do Chính phủ trình; có 03 dự án đã được rút ra khỏi Chương trình sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến gồm Luật hộ tịch, Luật công an nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Cũng trong năm 2013, các Bộ, ngành đã tham gia tích cực vào việc góp ý dự thảo Hiến pháp sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đặc biệt là đề xuất đối với các chương về Chính phủ và Chính quyền địa phương trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi.

b) Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh

Đối với nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Trong năm 2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần ban hành 164 văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh. Tính đến ngày 23/12/2013, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 122/164 văn bản (107 nghị định, 15 quyết định), đạt 74,39%. Riêng Luật xử lý vi phạm hành chính đã ban hành được 50/53 nghị định, đạt 94,34%. Số văn bản chưa được ban hành 42/164 văn bản (gồm 36 nghị định, 06 quyết định), chiếm 25,61%.

Đối với thông tư, thông tư liên tịch: Nếu chỉ tính các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh được ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến hết tháng 7/2013, trong năm 2013, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ cần ban hành 54 thông tư, thông tư liên tịch (45 thông tư và 09 thông tư liên tịch). Tính đến ngày 23/12/2013, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã ban hành được 20/54 thông tư, thông tư liên tịch, đạt 37,04% (16 thông tư, 04 thông tư liên tịch). Số thông tư, thông tư liên tịch chưa ban hành là 34/54 văn bản, chiếm 62,96% (29 thông tư, 05 thông tư liên tịch).

Như vậy, đến cuối tháng 12/2013, 42 nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và 34 thông tư, thông tư liên tịch của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ chưa được ban hành.

2. Nhiệm vụ năm 2014

Nhiệm vụ xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ trong năm 2014 là rất nặng nề:

a) Công tác soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh

Tổng số các luật, pháp lệnh các Bộ, cơ quan ngang Bộ sẽ phối hợp chỉnh lý và Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 36 dự án, gồm 34 luật và 2 pháp lệnh (chưa kể những dự án luật có thể phải trình theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để triển khai thi hành Hiến pháp sửa đổi, trong năm 2014). Tại Kỳ họp thứ 7, các Bộ, cơ quan ngang Bộ phối hợp chỉnh lý trình Quốc hội thông qua 09 dự án luật và trình Quốc hội xem xét cho ý kiến 15 dự án luật; tại Kỳ họp thứ 8,  phối hợp chỉnh lý trình Quốc hội thông qua 16 dự án luật (chưa kể dự án Luật hoặc Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình thế giới) và trình Quốc hội cho ý kiến 09 dự án luật. Hai dự án pháp lệnh phải trình Ủy ban thường vụ Quốc hội trong năm 2014 là Pháp lệnh cảnh sát môi trường và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Với khối lượng lớn các dự án luật, pháp lệnh như đã nêu trên, đòi hỏi các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải tập trung cao cho công tác xây dựng pháp luật mới đảm bảo được tính khả thi của Chương trình.

b) Công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh

Năm 2014 các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần tập trung nguồn lực, đẩy mạnh công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, cụ thể như sau:

- Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các văn bản chưa được ban hành để quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014; chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng, hoàn thiện ban hành theo thẩm quyền các thông tư, thông tư liên tịch quy định chi tiết, hướng dẫn các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực.

- Trong quý I/2014, xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đúng thời hạn 02 nghị định quy định chi tiết thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai) và các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có hiệu lực kể từ ngày 01/3/2014 hoặc từ ngày 01/5/2014.

- Khẩn trương rà soát, lập đề nghị Danh mục văn bản quy định chi tiết 08 luật được thông qua tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội và dự kiến phân công cơ quan chủ trì, phối hợp soạn thảo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trên cơ sở phân công của Thủ tướng Chính phủ tổ chức nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết đảm bảo có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh.

- Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

- Tổ chức theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh được ban hành trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đã có hiệu lực; kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng nợ đọng văn bản trình; xây dựng Báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Ngoài ra, tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã báo cáo Chính phủ về sự tham gia của Chính phủ trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (xây dựng Hiến pháp năm 2013) và một số biện pháp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Các Thành viên Chính phủ cũng đã nghe đại diện các Bộ trình bày nội dung 05 dự án luật, gồm:Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề; Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam và Luật nhà ở (sửa đổi). Đồng thời, các Thành viên Chính phủ đã trao đổi, thảo luận và cho nhiều ý kiến về nội dung các dự án Luật nêu trên, trong đó, các ý kiến tập trung vào một số vấn đề mang tính chính sách và còn có ý kiến khác nhau.