Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng và đất đai để dân không phải chạy theo thủ tục

03/01/2014
Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng và đất đai để dân không phải chạy theo thủ tục
“Những vấn đề trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng, đầu tư và trong quản lý, sử dụng đất đai cần phải giải quyết để thuận lợi nhất hoạt động đầu tư vì thủ tục “vòng tròn” gây khó khăn người dân và hạn chế việc thu hút đầu tư” - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo như vậy tại cuộc họp đẩy mạnh CCTTHC trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai với các Bộ, ngành liên quan chiều qua (2/1). Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã tham dự cuộc họp.

Vẫn có tình trạng chồng chéo

Trong lĩnh vực cấp giấy phép đầu tư (GPĐT), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông cho biết, đa số các địa phương vẫn có tình trạng chồng chéo vì mới chỉ thiết lập được quy trình một đầu mối trong tiếp nhận và trả kết quả TTHC, nhưng thực tế nhà đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ cho nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau của UBND cấp tỉnh để được giải quyết lần lượt TTHC theo qui định các luật khác nhau.

Kết quả rà soát TTHC cho thấy, nhà đầu tư đang phải thực hiện trung bình 18 thủ tục khác nhau đối với dự án đầu tư có liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường. Hiện nay, nhiều địa phương đã lồng ghép các thủ tục này với nhau. Theo phản ánh của đại diện Bộ KH&ĐT, nhiều khi người dân khó chịu “không phải vì mất tiền mà vì không biết mất tiền rồi có được việc không”, thậm chí gây thất thu cho nhà nước nếu cán bộ cứ nhập nhèm khi thực hiện các TTHC cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân.

Liên quan đến hoạt động đầu tư, thực hiện cải cách TTHC trong lĩnh vực cấp giấy  phép xây dựng (GPXD) việc ban hành văn bản, công bố các TTHC về cấp GPXD, qui định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư xin GPXD. Nhờ đó, tỷ lệ số công trình được cấp GPXD đã tăng khoảng 4% so với năm 2012.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh phản ánh, mặc dù Chính phủ đã có Nghị quyết cho phép lùi thời gian (6 tháng) áp dụng điều kiện về qui hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa hoàn chỉnh đồng bộ các qui định để làm căn cứ cho việc xét cấp GPXD nên vẫn còn tình trạng thỏa thuận về địa điểm, qui mô, kiến trúc công trình và các chỉ tiêu khác nên công tác cấp GPXD còn gặp vướng mắc, việc thực thi còn tùy tiện, tiêu cực gây khó khăn cho chủ đầu tư và người dân.

Một trong các điều kiện để cấp GPXD là chủ đầu tư phải có giấy tờ hợp pháp về QSDĐ nhưng hiện việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ vẫn đang tiếp tục thực hiện nên nhiều chủ đầu tư chưa hoàn tất các thủ tục giấy tờ về đất đai. Mặc khác, những công trình theo tuyến hoặc những công trình xây dựng trên đất không phải đất phi nông nghiệp không thể chuyển mục đích sử dụng đất nên cũng gặp vướng mắc trong quá trình cấp GPXD.

Tương tự, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Bộ đã thay thế 66 TTHC bằng 54 TTHC mới, sửa đổi, bổ sung 18 TTHC, bãi bỏ 02 TTHC trong lĩnh vực giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giúp tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thống nhất cấp 01 loại giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, khắc phục tình trạng nhiều cơ quan quản lý, giảm ít nhất ½ thời gian giải quyết các TTHC so với trước đây.

TTHC liên quan đến người dân phải dễ hiểu, dễ thực hiện

Trước những hạn chế trong thực hiện các TTHC trong lĩnh vực đầu tư và đất đai, xây dựng liên quan đến các dự án đầu tư, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất. Dự thảo Đề án đang được lấy ý kiến các Bộ, ngành.

Theo Bộ KH&ĐT, để đơn giản hóa TTHC trong hoạt động đầu tư, cần hoàn thiện cơ chế một cửa trong giải quyết các TTHC liên quan đến cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai dự án theo hướng qui định việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tập trung thông qua một cơ quan đầu mối là cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư để “rút ngắn thời gian giải quyết, các bước thực hiện và đơn giản đáng kể các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư vì đã tổ chức giải quyết tập trung các thủ tục liên quan đến dự án đầu tư, đồng thời loại bỏ yêu cầu nhà đầu tư nộp các giấy tờ mà trên thực tế đều do các cơ quan chuyên môn của UBDN cấp”.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT nhận thấy, phương án này về cơ bản không khác với phương án cải cách TTHC do Bộ Tư pháp đang chuẩn bị vì đều hướng đến việc cắt bỏ TTHC không cần thiết và tích hợp các TTHC để giải quyết ở một cơ quan đầu mối. Nên Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp tiếp tục chủ trì hoàn thiện Đề án cải cách TTHC trong đầu tư, xây dựng, đất đai và trình Chính phủ.

Để đảm bảo thuận lợi cho tiến trình cải cách TTHC, đại diện Bộ TN&MT, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính  phủ, UBND TP.Hà Nội, UBND TP.HCM đã đưa ra nhiều đề xuất cụ thể để đơn giản hóa thủ tục giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, kiến nghị bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các cấp trong việc để xảy ra các hành vi vi phạm của cán bộ trong thực hiện thủ tục liên quan đến đất đai, bổ sung thủ tục, qui trình cưỡng chế giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư…

Biểu dương và đánh giá cao những kết quả cải cách TTHC mà các Bộ, ngành đã làm được thời gian qua, Phó Thủ  tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “phải cải cách hành chính, giải phóng sức sản xuất từ các TTHC, cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong cải cách hành chính, cở mở, tạo cơ hội cho người dân, giảm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp, tạo hấp dẫn trong thu hút đầu tư”.

Ghi nhận những phản ánh về thực hiện TTHC trong lĩnh vực đầu tư của đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, một số hạn chế trong TTHC trong lĩnh vực đầu tư đã khiến nhà đầu tư phàn nàn, kéo theo những khoản chi phí “phi chính thức” nên thời gian tới phải tiếp tục quyết liệt hơn trong cải cách TTHC, tập trung luật hóa những TTHC liên quan nhiều quyền lợi của người dân, doanh nghiệp cho dễ hiểu, dễ làm, từng cơ quan, đơn vị phải công bố thủ tục, thời gian giải quyết của từng TTHC, công  khai, minh bạch các thủ tục, tăng cường hậu kiểm…

Phó Thủ tướng yêu cầu, Bộ Tư pháp tiếp tục kiểm soát các qui định mới, cập nhật đầy đủ thông tin cho doanh nghiệp, đề xuất các phương án  đơn giản hóa TTHC, công khai các TTHC để người dân biết… Đồng thời, Bộ Tư pháp chủ trì cùng các Bộ KH&ĐT, Xây dựng, TN&MT tập trung hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Chính phủ về cải cách TTHC, nhất là chấm dứt tình trạng chồng chéo trong thực hiện các TTHC để giải quyết những vướng mắc, bất cập hiện hành trong đầu tư, xây dựng và đất đai, tạo sức hút mạnh mẽ cho hoạt động đầu tư./.

H.Giang