Văn bản sai sót là do thiếu cơ chế thẩm định nội bộ

10/01/2008
Một Tổ rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng làm Tổ trưởng vừa được thành lập. Vấn đề đặt ra là tại sao một số văn bản do Bộ Tư pháp ban hành lại chưa phù hợp với quy định của pháp luật về thể thức, kỹ thuật trình bày, hình thức văn bản và nội dung văn bản. Hôm qua (9/1), phóng viên Báo Pháp luật VN đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) về vấn đề này.

PV: Ông đánh giá thế nào về hệ thống VBQPPL được ban hành trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp?

Ông Lê Hồng Sơn: Theo đánh giá của tôi, Bộ Tư pháp thuộc nhóm Bộ làm tốt công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra và rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, từ thực tiễn quản lý, yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp thì cũng còn một số văn bản chưa đáp ứng yêu cầu.

PV: Kết quả tự kiểm tra và xử lý VBQPPL của Bộ Tư pháp năm nào cũng cho thấy có những văn bản do Bộ ban hành chưa phù hợp với quy định của pháp luật về thể thức, kỹ thuật trình bày, thậm chí cả về nội dung văn bản. Theo ông, trách nhiệm này thuộc về ai?

Ông Lê Hồng Sơn: Trách nhiệm trước hết thuộc về đơn vị soạn thảo văn bản. Nhưng một vấn đề khác quan trọng hơn, mà tôi cũng đã nói nhiều lần, đó là Bộ Tư pháp chưa có cơ chế thẩm định nội bộ. Ngoài Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành khác đều có Vụ Pháp chế, văn bản muốn trình lên Bộ trưởng ký phải qua Pháp chế thẩm định nội bộ. Cái này, Bộ Tư pháp chưa có, cho nên mới có chuyện có văn bản ban hành chồng chéo, sai thẩm quyền, sai thể thức, không đáp ứng yêu cầu.

PV: Đó là một điều đáng tiếc?

Ông Lê Hồng Sơn: Đó là một thực tế, không chỉ là điều rất đáng tiếc mà còn là việc không thể chấp nhận được. Các Bộ khác thì còn lý do nọ, lý do kia, chẳng hạn như lý do chuyên viên không thông thạo lắm, còn có bất cập, nhưng Bộ Tư pháp mà để còn sai sót thì không thể chấp nhận được.

PV: Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa có Quyết định ban hành "Kế hoạch rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp", đồng thời lại có quyết định thành lập một Tổ rà soát để thực hiện và đôn đốc việc này. Theo ông, việc này có giúp giải quyết triệt để vấn đề sai sót này không?

Ông Lê Hồng Sơn: Theo kế hoạch thì Bộ Tư pháp sẽ tiến hành rà soát toàn bộ VBQPPL do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương và địa phương ban hành trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Đánh giá một cách toàn diện hệ thống VBQPPL trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, nhất là trong lĩnh vực công chứng, chứng thực và những việc liên quan đến doanh nghiệp và người dân để bảo đảm tính hợp lý, tính thống nhất của các văn bản pháp luật, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời với việc rà soát, Bộ sẽ lập và công bố các danh mục VBQPPL đã hết hiệu lực thi hành, VBQPPL đang còn hiệu lực thi hành, kiến nghị hoặc thực hiện theo thẩm quyền việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới các VBQPPL không còn phù hợp với văn bản có hiệu lực cao hơn, không còn phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay. Do đó, theo tôi, bên cạnh việc pháp hiện các văn bản sai sót, đợt rà soát này cũng sẽ góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác rà soát, hệ thống hóa, xây dựng và ban hành VBQPPL.

PV: Nhưng việc xử lý văn bản vi phạm pháp luật hiện nay là việc "giải quyết hậu quả" sau khi văn bản đã sai rồi. Có cách nào để không phải "giải quyết hậu quả" không, thưa ông?

Ông Lê Hồng Sơn: Đương nhiên có hậu quả thì phải giải quyết, nhưng tốt nhất là đừng để hậu quả ấy xảy ra. Muốn làm được điều này, theo tôi có 3 việc cần phải thực hiện. Một là phải xác định cho thật rõ, nâng cao trách nhiệm, điều kiện cho các đơn vị tham mưu, chuẩn bị văn bản. Hai là phải có cơ chế nội bộ để huy động trí tuệ tập thể, chuyên gia trong Bộ. Hiện nay mình chưa làm tốt cái đó. Thứ ba là phải hình thành ngay đơn vị đầu mối để thẩm định nội bộ. Đầu mối đó phải có chức năng, nhiệm vụ thẩm định nội bộ như Pháp chế Bộ, ngành, chứ không thể để chuyện Bộ, ngành có Pháp chế thẩm định nội bộ còn Bộ Tư pháp lại không có.

Theo tôi, trong công tác kiểm tra VBQPPL, không chỉ tại Bộ Tư pháp, mà tại các Bộ, ngành và địa phương cũng vậy, phát hiện văn bản sai là quan trọng, nhưng giúp người ta khắc phục cái sai và đừng để sai tiếp nữa là cái quan trọng hơn.

PV: Nhưng tất cả những điều ông vừa nói chắc cũng cần phải có thời gian mới làm được?

Ông Lê Hồng Sơn: Phải làm ngay chứ!. Nếu để có thời gian thì văn bản lại tiếp tục sai à? Do đó, phải chấn chỉnh ngay ở các đơn vị, nhất là các đơn vị đảm nhận trách nhiệm tham mưu, soạn thảo các văn bản để trình Bộ trưởng ký ban hành. Phải làm ngay việc xác định trách nhiệm thế nào, tạo điều kiện cho anh em làm việc, cơ chế huy động trí tuệ tập thể ra sao. Trong khi chờ sửa Nghị định 62, chờ thành lập một đơn vị thẩm định nội bộ thì có những việc thẩm quyền Bộ trưởng có thể thực hiện ngay được, chẳng hạn như có thể thành lập một Tổ thẩm định văn bản hoặc giao từng văn bản trước khi Bộ trưởng ký cho chuyên gia trong lĩnh vực đó phân tích xem đã ký được chưa. Theo tôi, việc này có thể làm ngay được, không vướng gì cả.

PV: Xin cảm ơn ông !

Hồng Thúy