Cải cách hành chính ở các địa phương: “Một cửa” là số một!

08/01/2008
Tính đến giữa năm 2007, phương thức quản lý theo cơ chế “một cửa” đạt 100% ở cấp tỉnh, 98% ở cấp huyện và 92% ở cấp xã. Nhờ phát huy tinh thần năng động và sáng tạo, cơ chế này tại một số địa phương đã thực sự mang lại hiệu quả, góp phần đổi mới mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với dân, quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với nhau trong quá trình tổ chức thực hiện công việc và thực thi công vụ.

Đà Nẵng – Ban hành bộ mẫu chuẩn đơn giao dịch hành chính

Tại các đơn vị có nhiệm vụ thường xuyên tiếp xúc với nhân dân như điện, nước, giải tỏa đền bù, bố trí tái định cư, công chứng, nhà, đất…, Đà Nẵng đã thực hiện triệt để cơ chế “một cửa” và thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Ngoài ra, UBND thành phố ban hành các quy định về tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo cơ chế “một cửa” tại UBND xã, phường; UBND các quận, huyện nhằm thực hiện thống nhất quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết hồ sơ trên toàn thành phố. Nhờ cơ chế “một cửa”, nhiều thủ tục được bãi bỏ, tinh gọn hơn so với trước; thời gian giải quyết nhanh hơn so với quy định, đáp ứng yêu cầu giải quyết công việc của công dân, tổ chức.

Bên cạnh việc hoàn chỉnh cơ chế “một cửa”, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của ngành mình liên quan đến thủ tục, quy trình giải quyết hồ sơ hành chính cho tổ chức, công dân. Thông qua rà soát, kịp thời thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp với các quy định mới của pháp luật và đề nghị sửa đổi, bãi bỏ các thủ tục chồng chéo, rườm rà, không cần thiết. Vừa qua, thành phố đã ban hành “bộ mẫu chuẩn” với 246 mẫu đơn giao dịch hành chính, tạo sự thuận lợi chung giữa cơ quan nhà nước và tổ chức, công dân.

Bắc Ninh - cải cách để thu hút đầu tư

Nhằm thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đầu tư vào tỉnh, HĐND và UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành một số quy định về phân cấp, cải cách thủ tục hành chính. Cụ thể như qui định về việc tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, cấp phép đối với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo cơ chế “một cửa”, một đầu mối. Theo đó, Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với các cơ quan và đơn vị liên quan giúp UBND tỉnh trong việc cấp phép cho các DN đầu tư ngoài hàng rào các Khu công nghiệp (KCN) tập trung của tỉnh; Ban quản lý các KCN Bắc Ninh chịu trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với các cơ quan và đơn vị liên quan giúp UBND tỉnh trong việc cấp phép đối với các DN đầu tư vào các KCN tập trung của tỉnh. Để chính sách trên phát huy hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về giải quyết các kiến nghị của DN trên địa bàn tỉnh, nhằm khắc phục tình trạng quan liêu, gây phiều hà đối với DN và thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, đơn giản hoá, công khai minh bạch các thủ tục hành chính.

Tỉnh cũng triển khai áp dụng thực hiện cơ chế “một của liên thông” trong lĩnh vực cấp phép kinh doanh, mã số thuế và con dấu cho các DN tại Sở KH&ĐT. Các thủ tục hành chính liên quan đến các nội dung công việc đã được rút ngắn từ 28 ngày xuống còn tối đa không quá 10 ngày; số lần tổ chức và công dân đi lại tới các cơ quan hành chính giảm từ 13 lần xuống còn tối đa không quá 03 lần; số các bước thực hiện trong qui trình giải quyết công việc của tổ chức, công dân cũng giảm từ 24 bước xuống còn 9 bước; cơ quan nhà nước từ 74 bước xuống còn 10 bước. Đặc biệt là tổ chức, công dân có yêu cầu giải quyết công việc chỉ phải đến 1 nơi duy nhất là “Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả” tại Sở KH&ĐT thay vì phải đến 3 cơ quan (Sở KH&ĐT, Công an tỉnh, Cục Thuế) như trước đây.

TP. HCM - thí điểm nhiều mô hình “một cửa, liên thông”

UBND TP. HCM đã tiên phong chọn những thủ tục hành chính có liên quan đến các vấn đề bức xúc của công dân để thực hiện cơ chế “một cửa, liên thông” trong giải quyết hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho các tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức và cá nhân nước ngoài thuộc thẩm quyền quyết định của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Với mô hình này, kết quả thời gian giải quyết hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được rút ngắn từ 1 đến 2 năm xuống còn 20 ngày đối với hồ sơ đã hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng và 40 ngày đối với hồ sơ chưa hoàn thành bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ngoài thời gian được rút ngắn, còn giảm được việc đi lại nhiều lần, phiền hà, tiết kiệm được chi phí và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của tổ chức và cá nhân.

Trước thực trạng phải tới 4 cửa và đi lại 9 lần khi người dân có nhu cầu giải quyết hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai, UBND huyện Củ Chi đã mạnh dạn áp dụng cơ chế “một cửa, liên thông” từ UBND 20 xã, 1 thị trấn đến UBND huyện và ngược lại, trên 8 lĩnh vực đất đai gồm đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất đối với trường hợp xin phép và không phải xin phép; đăng ký biến động về sử dụng đất; đăng ký cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đăng ký tách thửa, hợp thửa; đăng ký chuyển nhượng quyền sử dụng đất; đăng ký cho thuê, cho thuê lại hoặc xoá cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất; đăng ký thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất. Theo đó, người dân chỉ cần đến UBND xã, thị trấn 2 lần để nộp hồ sơ và nhận kết quả giải quyết; mọi việc luân chuyển hồ sơ giữa các cơ quan đều do cán bộ, công chức xã, thị trấn đảm nhận. Kết quả là, mô hình này đã giảm phiền hà cho người dân, giảm số lần đi lại và hồ sơ được giải quyết đúng hạn chiếm tỷ lệ 84,9%.

Thực hiện năm CCHC, Chi cục thuế quận 1 đã áp dụng công nghệ thông tin trong cơ chế “một cửa liên thông” giữa Chi cục với Phòng kinh tế và Công ty quản lý nhà quận 1 về cấp mã số thuế, về thu lệ phí trước bạ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định số 61/CP theo quy trình sử dụng dữ liệu dùng chung. Vì thế, thời gian cấp mã số thuế trung bình là 30 phút/1 hồ sơ (trước thường là 12-13 ngày), các hộ kinh doanh, người dân chỉ đi lại 1 lần để lấy mã số thuế và giấy xác nhận đã nộp lệ phí trước bạ…

Hoàng Thư (Báo PLVN)

 * Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh: Song song với cải cách thủ tục hành chính, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến công tác cán bộ, xem đây là nhiệm vụ then chốt để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý điều hành của bộ máy hành chính. Một số cách làm mới được triển khai như đưa sinh viên tốt nghiệp đại học về công tác tại UBND các phường, xã; thi tuyển một số chức danh lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp; ban hành chính sách khuyến khích nghỉ hưu trước tuổi; tổ chức hoạt động Câu lạc bộ cán bộ trẻ để công chức trẻ có điều kiện phát huy khả năng, sở trường, bổ nhiệm những cán bộ trẻ, có năng lực vào các vị trí chủ chốt… 

* Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Công Ngọ: UBND tỉnh chúng tôi đã quyết định thành lập một số tổ chức mới, từng bước tách bạch rõ quản lý nhà nước và quản lý DN, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ và thu hút các DN đầu tư vào địa bàn tỉnh như Trung tâm Tư vấn đầu tư trực thuộc Sở KH&ĐT; Trung tâm Phát triển quĩ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường… Hoạt động của các tổ chức này đã góp phần thiết thực trong việc hỗ trợ DN, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh.

* Giám đốc Sở Nội vụ TP. HCM Châu Minh Tỷ: Theo tôi, cơ chế “một cửa” có thể áp dụng cho tất cả các quy trình giải quyết các quan hệ hành chính giữa một bên là công dân, tổ chức có nhu cầu, với một bên là cơ quan hành chính có thẩm quyền. Điều quan trọng là phải xây dựng được quy trình thực hiện các giao dịch hành chính sau “một cửa”, nhằm đảm bảo tính thông suốt, đơn giản, gọn nhẹ và có khả năng theo dõi từ khâu đầu đến khâu cuối của quy trình. Còn mối quan hệ liên thông giữa các cơ quan, các đơn vị cùng tham gia vào quy trình giải quyết thủ tục hành chính phải được thực hiện một cách đồng bộ, liên hoàn, tạo thành “dòng chảy” công việc giữa các cơ quan, các cấp có thẩm quyền.