Chất vấn tại Uỷ ban thường vụ Quốc hội: Một điểm mới trong hoạt động chất vấn

31/12/2007
Bắt đầu từ phiên họp thứ 7, diễn ra vào tháng 3/2008, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn một số thành viên Chính phủ và người đứng đầu các cơ quan tư pháp về hoạt động chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực phụ trách. Ngay từ bây giờ, cách thức tiến hành chất vấn, những vấn đề sẽ được lựa chọn tại các phiên chất vấn đã là đề tài được đông đảo nhân dân quan tâm. Nhân dịp đầu năm mới, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu về vấn đề này.

PV: Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước đang rất quan tâm đến thông tin Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn tại các phiên họp. Cá nhân ông có hoan nghênh chủ trương này không?

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Giám sát là một chức năng quan trọng của Quốc hội. Tại các kỳ họp, Quốc hội vẫn dành thời gian thích đáng để thực hiện giám sát tối cao bằng hình thức chất vấn. Tuy nhiên, quỹ thời gian của mỗi kỳ họp Quốc hội có hạn nên có một số vấn đề muốn làm kỹ, đi đến cùng nhưng “lực bất tòng tâm”. Do đó, theo tôi hướng chuyển một phần hoạt động chất vấn ở kỳ họp Quốc hội sang chất vấn tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội là rất đúng. Bởi vì tại các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội mới có đủ điều kiện thời gian để xem xét một cách toàn diện, thấu đáo các vấn đề. Khi xét thấy cần thiết, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người bị chất vấn.

PV: Luật đã quy định nhưng phải đến Quốc hội khóa XII, việc chất vấn tại Ủy ban thường vụ Quốc hội mới được tiến hành, phải chăng đây là điểm mới mang tính chất là điểm nhấn của Quốc hội khóa này, thưa ông?

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Trong Chương trình công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa này, chất vấn tại các phiên họp cũng là một trong những cách cải tiến, đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội. Điều đó thể hiện việc Quốc hội xác định chất vấn là hoạt động thường xuyên, là quyền của đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng là trách nhiệm của người bị chất vấn. Qua chất vấn không chỉ nhằm mục đích xác định đến cùng trách nhiệm của người bị chất vấn, mà vấn đề ở chỗ là để làm rõ hơn những mặt được, mặt tốt, chỉ ra được những bất cập, thiếu sót, hạn chế, xác định được các biện pháp khắc phục thuộc trách nhiệm của người bị chất vấn. Để đạt được mục đích đó thì việc chất vấn tại Ủy ban thường vụ Quốc hội có nhiều thời gian hơn.

PV: Xin Phó Chủ tịch cho biết khi hoạt động chất vấn được tiến hành thường xuyên tại các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các kỳ họp Quốc hội thì việc chọn lựa vấn đề đưa ra chất vấn sẽ được tính toán thế nào?

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Cuộc sống vốn rất đa dạng và phức tạp, đang còn nhiều vấn đề bức xúc. Việc lựa chọn trúng và đúng vấn đề để chất vấn sẽ có ý nghĩa thiết thực, quyết định giá trị và hiệu quả của hoạt động giám sát. Tại thời điểm này Uỷ ban thường vụ Quốc hội chưa đi sâu vào những vấn đề cụ thể đó, nhưng theo ý kiến của tôi, những vấn đề lớn thuộc chính sách vĩ mô, những vấn đề về cơ chế, chính sách chung, những vấn đề bức xúc mà dư luận xã hội, cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng, “Tư lệnh ngành, lĩnh vực” thì nên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội. Còn những vấn đề cụ thể đã được Quốc hội quyết định cho trả lời tại phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội  và những chất vấn khác được gửi tới Uỷ ban thường vụ Quốc hội  trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội, những vấn đề liên quan trực tiếp đến việc triển khai một dự án, giải quyết một chính sách cụ thể đối với một số đối tượng nào đó hoặc các vấn đề liên quan đến một vụ án, một việc thi hành án cụ thể thì nên chuyển cho Ủy ban thường vụ Quốc hội để chất vấn tại các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng trong hoạt động giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội vẫn nghiêng nhiều về hoạt động của Chính phủ mà chưa quan tâm lắm đến hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong khi yêu cầu cải cách tư pháp đang đặt ra rất bức thiết. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Đúng là thực tế vừa rồi tại kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ hai thì Quốc hội chưa chất vấn người đứng đầu các cơ quan tư pháp. Hoạt động tư pháp là một trong những hoạt động quan trọng của quyền lực nhà nước, liên quan trực tiếp đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đang có một số vấn đề bức xúc mà dư luận cử tri và đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Ví dụ như tình hình xét xử giám đốc thẩm, đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng nhiều; việc giải quyết các vụ án hành chính hiện nay vẫn đang ở mức độ hạn chế, hiệu lực thi hành án chưa cao; những vấn đề liên quan đến năng lực, trình độ, trách nhiệm của các chức danh tư pháp trong điều kiện cải cách tư pháp hiện nay; vấn đề tranh tụng tại phiên tòa ... Theo tôi, đây là những vấn đề cần xem xét đưa vào kế hoạch giám sát. Uỷ ban thường vụ Quốc hội xác định trong thời gian tới cùng với việc chất vấn trách nhiệm quản lý, điều hành của các cơ quan Chính phủ thì việc chất vấn về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan tư pháp cũng cần được quan tâm hơn.

PV:  Theo Phó Chủ tịch, cần làm gì để các kết luận sau giám sát được thực hiện có hiệu quả?

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Thứ nhất, các kết luận giám sát phải được công khai. Thứ hai, các cơ quan bị giám sát, người bị giám sát phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh các kết luận giám sát; phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể, chủ động, tích cực và kịp thời tổ chức thực hiện các kết luận giám sát. Thứ ba, các cơ quan giám sát phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận giám sát. Cơ quan giám sát và cơ quan bị giám sát phải cùng nhau đi đến cùng các vấn đề được giám sát.

PV: Ở cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội, có điều gì trong hoạt động của Quốc hội mà ông trăn trở và muốn cải tiến để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội?

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội luôn là vấn đề thời sự được Quốc hội các khoá trước và Quốc hội khoá XII rất quan tâm. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội  thay mặt nhân dân thực hiện quyền lập Hiến, lập pháp; quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được bảo đảm bằng chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan phục vụ Quốc hội.

 Điều mà tôi trăn trở, muốn cải tiến là hoạt động lập pháp của Quốc hội phải được đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, làm sao để Quốc hội ban hành được nhiều đạo luật có chất lượng, bảo đảm tính hợp Hiến, tính đồng bộ, thống nhất và có tính khả thi cao, dễ đi vào cuộc sống, phục vụ kịp thời, hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay. Một yêu cầu lớn, đồng thời cũng là một thách thức đặt ra trong hoạt động lập pháp hiện nay là phải ban hành được nhiều luật có chất lượng nhưng thời gian mỗi kỳ họp của Quốc hội không thể kéo dài hơn.

 Trong quyết định kế hoạch, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình, dự án quan trọng của quốc gia phải thực quyền, thực chất hơn, phải xác định và quyết định được trúng và đúng các vấn đề.

Trong hoạt động giám sát phải bảo đảm có chất lượng và hiệu quả, làm đến nơi đến chốn. Qua hoạt động giám sát góp phần nâng cao hơn chất lượng, hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

PV: Xin cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!

Hồng Thúy