Áp dụng tình tiết người phạm tội ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường thiệt hại để giảm hình phạt cho người phạm tội

30/11/2007
Ông cha ta có câu “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, trong phật pháp cũng có câu “tội ác như biển cả, nhưng quay đầu lại là bờ” và điều đó ngày nay đã được thể chế hoá trong luật - Đó là quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong Bộ luật hình sự Việt Nam.

Luật hình sự quy định rất rõ về tình tiết “Người phạm tội thành khẩn, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả” nhưng việc áp dụng tình tiết này trong thực tế để giảm nhẹ hình phạt cho người phạm tội có các tình tiết giảm nhẹ theo chúng tôi như hiện nay là chưa thoả đáng và đúng mức. Trong một số trường hợp thường bị lạm dụng áp dụng không đúng với thực tế vụ án, khi thì quá nặng, khi quá nhẹ tuỳ thuộc quá nhiều vào ý chí chủ quan của người đưa ra các phán quyết.

Ở gốc độ bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến khía cạnh giảm nhẹ trong các vụ án hình sự. Có nhiều vụ án hình sự người phạm tội phạm tội lần đầu, ở mức ít nghiêm trọng và do lỗi vô ý (như các tội về vi phạm an toàn giao thông đường bộ, phá rừng làm nương rẫy...) Toà án thường áp dụng tình tiết khoan hồng này của Nhà nước. Tuy nhiên, việc áp dụng tình tiết này chưa nhiều, đôi khi chưa thoả đáng do đó chưa thể hiện được chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta.

Là người làm việc ở cơ quan pháp luật, là luật gia và từng có thời gian làm việc ở Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước nên tôi đã tiếp và hướng dẫn, tư vấn pháp luật cho rất nhiều trường hợp người dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiếu số, phạm tội thuộc các tội ít nghiêm trọng, có thể cho hưởng án treo nhưng Toà án cứ áp dụng hình phạt tù giam nên rất nhiều người tình cảnh rất thương tâm. Đa phần trong số họ là chưa hiểu biết pháp luật, nhiều hành vi cứ tưởng không phạm pháp (phá rừng làm rẫy) hoặc do vô ý, rủi ro (gây tai nạn giao thông...) nên mới phạm tội. Đành rằng đã phạm tội thì phải gánh chịu hậu quả pháp lý tương xướng với tội phạm gây ra, nhưng không ít trường hợp người phạm tội đã tỏ ra ăn năn hối cải, khắc phục toàn bộ hậu quả đã gây ra và được người bị hại bãi nại nhưng hình phạt áp dụng vẫn chưa thể hiện được chính sách khoan hồng của pháp luật.

Có nhiều trường hợp có thể áp dụng hình phạt là án treo nhưng không được cho hưởng, có thể cho tại ngoại nhưng không xem xét... Mặc dù, những người có thẩm quyền thi hành pháp luật không sai luật, nhưng dư luận không mấy đồng tình vì bản án đưa ra chưa thể hiện được cái tình, cái đạo lý, tính nhân bản mà báo chí, dư luận quần chúng nhân dân nhiều lần phản ánh và sự đồng tình không cao.

Điều này không những chưa thể hiện được chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với những người lầm lỡ, phạm tội lần đầu, đầu thú, tự thú... nhằm tạo điều kiện cho họ làm lại cuộc đời và ngăn ngừa hành vi phạm tội mới để đạt được mục đích của hình phạt mà còn làm cho những người phạm tội nghi ngờ vào sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta. Ngoài ra, vừa không khuyến khích được họ khắc phục thiệt hại, đầu thú, tự thú... vừa tạo ra tâm lý “đã phạm tội rồi thì trước sau gì cũng phải đi tù, bồi thường, khắc phục thiệt hại thì cũng vậy mà thôi, giảm chẳng đáng là bao”. 

Thiết nghĩ, để thực hiện tốt chính sách khoan hồng, khuyến khích người phạm tội khắc phục thiệt hại, đầu thú, tự thú... thì nên xem tình tiết ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường thiệt hại... đã được quy định trong luật hình sự là một tình tiết quan trọng khi áp dụng mức hình phạt./.

 Phạm Văn Chung