Tạo môi trường pháp lý tốt để phát triển CNTT

08/11/2006
Hai dự thảo Nghị định ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước và NĐ quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của luật CNTT về công nghiệp CNTT đều nhận định đây sẽ là những yếu tố góp phần tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi giúp CNTT phát triển.

Giấy tờ hành chính: sẽ được giảm thiểu

Với "sứ mệnh đặc biệt" hướng dẫn thi hành Luật Giao dịch điện tửLuật CNTT, mục tiêu của NĐ ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước (bao gồm 56 điều - 5 chương) là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước (CQNN), qua đó góp phần nâng cao hiệu quả và hiệu lực của CQNN, giảm thiểu tối đa giấy tờ hành chính.

Vì điều chỉnh trong phạm vi CQNN nên đối tượng áp dụng của NĐ là các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp và các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách; tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện điện tử để giao dịch với các CQNN; tổ chức, cá nhân cung cấp các giải pháp, sản phẩm và dịch vụ CNTT trong hoạt động của CQNN.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động trên môi trường mạng, theo quy định của NĐ, những CQNN này sẽ có trách nhiệm thực hiện các công việc như tăng cường sử dụng văn bản điện tử, sử dụng chữ ký điện tử, lập hồ sơ lưu trữ và bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng. Bên cạnh đó còn cần phải nhanh chóng cải tiến, chuẩn hóa các quy trình công việc phù hợp với chương trình cải cách hành chính, phát huy tối đa khả năng ứng dụng CNTT trong xử lý quy trình. Tiến hành xây dựng thống nhất các biểu mẫu điện tử, thiết lập trang thông tin điện tử để đồng bộ quy trình công việc giữa các CQNN, tiến tới xây dựng lộ trình cung cấp dịch vụ hành chính công trên mạng...

Ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN là gì?
Ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN là việc sử dụng CNTT vào các hoạt động của CQNN nhằm:

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động nội bộ của CQNN và giữa các CQNN, trong giao dịch với tổ chức, cá nhân.

- Hỗ trợ đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước và bảo đảm công khai, minh bạch thông tin.


Bên cạnh đó, để bảo đảm điều kiện triển khai hoạt động của CQNN trên môi trường mạng, Chính phủ sẽ thông qua việc quy định cụ thể các điều kiện đảm bảo cho ứng dụng CNTT cũng như xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN.

Nhìn về tổng thể, đây không phải là VBQPPL đầu tiên đề cập tới ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN. Từ năm 2000 đến nay đã có một loạt các chỉ thị, quyết định thúc đẩy phát triển CNTT, tin học hóa quản lý hành chính nhà nước, như Chỉ thị 58, Quyết định 112, Quyết định 47...

Gần đây nhất, Chỉ thị 10/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giảm giấy tờ hành chính trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước đã được ban hành. Mục đích của Chỉ thị 10 cũng chính là một trong những nhiệm vụ chính của NĐ ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN.

Biến công nghiệp CNTT thành ngành kinh tế mũi nhọn

Trên quan điểm phát triển công nghiệp CNTT (CNpCNTT) thành nội lực quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế, những quy định của NĐ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành môi số điều của Luật CNTT về CNpCNTT cho thấy một chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với CNpCNTT.

CNpCNTT sẽ được phân định rõ ràng bao gồm ba loại hình: công nghiệp phần cứng, công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung. Đối với cả ba loại hình, Nhà nước đều có chính sách ưu đãi, ưu tiên đầu tư phát triển. Trong đó, đặc biệt chú trọng công nghiệp phần mềm và công nghiệp nội dung để trở thành ngành kinh tế trọng điểm trong nền kinh tế quốc dân. Các loại hình khu CNTT (bao gồm khu tổ hợp CNTT, khu công nghiệp phần mềm) sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước áp dụng đối với khu công nghệ cao.

Bên cạnh đó, để phát triển thị trường CNpCNTT, việc ban hành quy định và tổ chức thực hiện các hoạt động phát triển thị trường sẽ do CQNN chịu trách nhiệm thông qua các hình thức: Thúc đẩy ứng dụng CNTT ưu tiên sử dụng vốn NSNN để mua sắm các sản phẩm CNTT sản xuất trong nước; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tiếp thị hình ảnh CNpCNTT của Việt Nam ra thế giới, xây dựng phương pháp định giá phần mềm phục vụ cho việc quản lý các dự án ứng dụng và phát triển CNTT.

Các tổ chức, cá nhân phát triển công nghệ, sản phẩm CNTT để đổi mới quản lý kinh tế - xã hội, đổi mới công nghệ cũng sẽ được hưởng ưu đãi về thuế, tín dụng. Tuy nhiên, bên cạnh các quyền nghiên cứu và phát triển sản phẩm CNTT, sản xuất sản phẩm CNTT, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực CNpCNTT cũng phải có trách nhiệm bảo đảm tính trung thực của kết quả nghiên cứu, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu cơ sở dữ liệu...

CNpCNTT là ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao sản xuất và cung cấp sản phẩm CNTT, bao gồm sản phẩm phần cứng, phần mềm và nội dung thông tin số.
Các loại hình CNpCNTT bao gồm: Công nghiệp phần cứng (là công nghiệp sản xuất các sản phẩm phần công bao gồm phụ tùng, linh kiện, thiết bị số); công nghiệp phần mềm (là công nghiệp sản xuất các sản phẩm phần mềm bao gồm phần mềm hệ thống, ứng dụng, điều khiển, tự động hóa và các sản phẩm tương tự khác, cung cấp các giải pháp cài đặt, bảo trì, hướng dẫn sử dụng); công nghiệp nội dung (là công nghiệp sản xuất các sản phẩm thông tin số bao gồm thông tin kinh tế - xã hội, thông tin khoa học-giáo dục, thông tin văn hóa-giải trí trên môi trường mạng và các sản phẩm tương tự khác).

(Điều 4 và 47 Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật CNTT về CNpCNTT)


Pháp luật Việt Nam