Quốc hội nghe trình bày tờ trình và báo cáo thẩm tra 6 dự án Luật

06/11/2006
Ngày 4/11, Quốc hội làm việc ở Hội trường, nghe trình bày tờ trình, báo cáo thẩm tra dự án Luật các vùng biển Việt Nam; dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình; dự án Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; dự án Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dự án Luật tương trợ tư pháp; dự án Luật thuế thu nhập cá nhân.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm trình bày Tờ trình dự án Luật các vùng biển Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật các vùng biển Việt Nam. Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Bộ trưởng Bộ Y tế Trần Thị Trung Chiến trình bày Tờ trình dự án Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm. Bộ trưởng Bộ khoa học và công nghệ Hoàng Văn Phong trình bày Tờ trình dự án Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Hồ Đức Việt trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Bộ trưởng Bộ tư pháp Uông Chu Lưu trình bày Tờ trình dự án Luật tương trợ tư pháp; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tương trợ tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân; Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, Ban soạn thảo đã có rất nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu, khảo sát thực tiễn, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, tham khảo pháp luật và tổ chức một số đoàn đi khảo sát kinh nghiệm thực tiễn về phòng, chống bạo lực trong gia đình của một số nước để xây dựng dự án Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình. Trong quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã tổ chức lấy ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương và đã gửi Chính phủ cho ý kiến. một số thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với dự thảo Luật vì cho rằng, các quy định của dự thảo Luật khi được triển khai trên thực tế sẽ góp phần không nhỏ vào việc ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực trong gia đình, chẳng hạn, các quy định về công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, tổ chức, cơ quan sẽ góp phần nâng cao nhận thức, hành vi ứng xử của con người trong đời sống  gia đình, về truyền thống, đạo lý gia đình Việt Nam. Các biện pháp từ giáo dục tại cộng đồng, cấm tiếp xúc giữa người gây bạo lực trong gia đình với nạn nhân cho đến việc xử lý người có hành vi bạo lực trong gia đình có tác dụng giáo dục, răn đe, góp phần hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực trong gia đình. Song có nhiều ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi của Luật này. Bởi vì, bạo lực trong gia đình là một vấn đề xã hội, thể hiện lối sống thiếu trách nhiệm, ứng xử thiếu văn hóa trong gia đình, phản ánh sự suy thoái về đạo đức của một bộ phận trong nhân dân. Việc khắc phục tình trạng bạo lực trong gia đình đòi hỏi phải sử dụng nhiều biện pháp đồng bộ, cả về kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, pháp luật và phải mang tính toàn diện. Những biện pháp phòng ngừa và xử lý về mặt pháp luật quy định trong dự thảo Luật về cơ bản đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành. Trong khi đó một số quy định mới như các hành vi bạo lực trong gia đình, các biện pháp liên quan như việc cấm tiếp xúc với nạn nhân, giáo dục tại cộng đồng, các nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện kể cả về tài chính, địa chỉ tin cậy, sự chăm sóc của cộng đồng .v.v. được xây dựng chưa xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội và phong tục tập quán, tâm lý của người Việt Nam mà dựa trên cơ sở kết quả các chuyến nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm ở nước ngoài, luật pháp của nước ngoài. Vì vậy, những người có ý kiến này e rằng  nếu áp dụng một số biện pháp xử lý quy định trong dự thảo Luật có thể làm sâu sắc hơn mâu thuẫn trong gia đình, không có tác dụng  cho việc hàn gắn quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, chẳng hạn như biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình quy định tại Điều 18 dự thảo Luật.

Về dự án Luật phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội nhất trí với nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng Dự án Luật có nội dung phong phú, nhiều quy định tương đối chi tiết. Ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến về những quan điểm lớn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, của Thường trực Uỷ ban về các vấn đề xã hội trong lần thẩm tra sơ bộ và đại diện các cơ quan, địa phương và chuyên gia. Tuy nhiên, dự thảo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm được xây dựng với nhiều quy định về kỹ thuật chuyên môn y tế, tính quy phạm pháp luật chưa cao. Mặt khác, các quy định của dự thảo Luật thể hiện tính thụ động của ngành y tế trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm, thiếu những quy định về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân, của cộng đồng trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Về dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trình Quốc hội lần này được Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc Hội Hồ Đức Việt đánh giá: Đó là một bước thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa và sức cạnh tranh của nền kinh tế như đã nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X: "Một trong các giải pháp quan trọng là phải đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh, hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị gia tăng, giá trị nội địa trong sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước nói chung, sản phẩm, hàng hoá có lợi thế cạnh tranh và tiềm năng xuất khẩu nói riêng". Uỷ ban khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy nội dung của Dự thảo Luật đã thể hiện được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực này.

Về dự án Luật tương trợ tư pháp, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhận định: Trong điều kiện hội nhập quốc tế, hoạt động tương trợ tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng. Các quan hệ pháp luật về dân sự, hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hình sự có yếu tố nước ngoài phát sinh với quy mô ngày càng lớn, phạm vi rộng và tính chất ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải được pháp luật điều chỉnh kịp thời trên cơ sở hợp tác, tương trợ tư pháp giữa Nhà nước ta với các nước có liên quan. Tuy nhiên, cho đến nay, một số vấn đề về tương trợ tư pháp của nước ta mới chỉ được quy định có tính nguyên tắc trong Bộ luật tố tụng dân sự và Bộ luật tố tụng hình sự. Nhìn chung, các văn bản pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực này còn tản mạn, thiếu đồng bộ. Về cơ bản, hoạt động tương trợ tư pháp thời gian qua được thực hiện trên cơ sở một số hiệp định tương trợ tư pháp mà Nhà nước ta đã ký kết. Nhưng, đối với một số vấn đề phát sinh trong quan hệ về tư pháp với các nước mà Việt Nam chưa ký kết hiệp định hoặc chưa có thoả thuận quốc tế thì không có cơ sở pháp lý để giải quyết. Để đáp ứng yêu cầu tương trợ tư pháp trong tình hình mới, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân Việt Nam, phục vụ quá trình hội nhập quốc tế, thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24 tháng 5 năm 2005 của Bộ Chính trị và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI, Uỷ ban pháp luật nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật này. Dự án Luật đã được chuẩn bị khá công phu. Cơ quan soạn thảo đã tiến hành tổng kết và có báo cáo về thực trạng hoạt động tương trợ tư pháp; tổ chức hội thảo, tọa đàm để các cá nhân, tổ chức tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật; tổ chức sưu tầm, thu thập tài liệu có liên quan về tương trợ tư pháp của Liên hợp quốc và của một số nước để tham khảo.

Về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân, Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách cho rằng, những quan điểm, mục tiêu và yêu cầu mà cơ quan soạn thảo đề ra khi xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân đã thể hiện khá đầy đủ mục tiêu và quan điểm chung của Đảng và Nhà nước ta. Những quy định trong dự thảo Luật được xây dựng trên tinh thần kế thừa các quy định của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, nhưng là vấn đề mang tính nhạy cảm cao, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhiều người trong xã hội, vì vậy cần được nghiên cứu toàn diện, thấu đáo khi hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua. Mặt khác, việc ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân phải bảo đảm tính khả thi; sự đồng bộ của hệ thống pháp luật; sự bình đẳng giữa các tầng lớp dân cư, giữa người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam; điều tiết thu nhập hợp lý; đáp ứng yêu cầu hội nhập; thực hiện tiết kiệm, bảo đảm tiêu dùng xã hội phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế. Đồng thời, có những ý kiến cho rằng, ban hành Luật thuế thu nhập cá nhân cần gắn chặt với việc hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách đối với những người có thu nhập thấp, người thất nghiệp...

(Theo website Chính phủ)