Quốc hội thảo luận về Chương trình xây dựng Luật và giám sát của Quốc hội

31/10/2006
Chiều ngày 30/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về Dự kiến Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2007; báo cáo kết quả việc thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2006; dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2007. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu điều khiển phiên làm việc.
Theo Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2006, Quốc hội dự kiến xem xét, thông qua 25 Luật, 01 Nghị quyết và cho ý kiến về 25 dự án Luật; Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 10 Pháp lệnh và 01 Nghị quyết.

Công tác xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước

Hầu hết các đại biểu đều nhất trí cho rằng, công tác xây dựng pháp luật đã kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2006 vẫn chưa đạt được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là chương trình xây dựng Pháp lệnh. Đại biểu Huỳnh Văn Tý (đoàn Bình Thuận) cho rằng, nguyên nhân xây dựng Luật chậm trễ là do các nhà làm Luật chưa xác định chính xác khả năng, chất lượng, tính khả thi của Dự án Luật khi ban hành. Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu Huỳnh Văn Tý đề nghị, nếu trong nhiều Dự án luật mà chưa xác định được chất lượng của Dự án Luật nào hơn thì cần phải ưu tiên cho những Luật quan trọng và có mối quan hệ thiết thực với đời sống nhân dân để tập trung làm cho có hiệu quả. Đại biểu cũng yêu cầu, khi xây dựng Luật cần hạn chế việc Quốc hội không hoàn thành việc xây dựng Luật của từng kỳ cũng như của cả năm. Một số đại biểu khác nhất trí với kiến nghị trên và cho rằng trong khi xây dựng Luật, cần ưu tiên những Luật có tính chất quan trọng trước như Luật Dân tộc, Luật an toàn thực phẩm, Luật Quảng cáo...

Về công tác xây dựng pháp luật năm 2007, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho biết, dự kiến chương trình chuẩn bị đưa vào 15 dự luật. Đến cuối năm 2007, Quốc hội khóa XII sẽ thông qua Chương trình xây dựng luật pháp lệnh toàn khóa XII.

Về vấn đề này, đại biểu Lê Mạnh Hùng (đoàn Hà Tĩnh) nhất trí với Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007. Tuy nhiên, đại biểu khuyến nghị, khi ban hành Luật, Pháp lệnh không vì số lượng mà xem nhẹ chất lượng. Theo đại biểu, hiện nay cử tri phản ánh, luật xây dựng thì nhiều nhưng lại chậm đi vào cuộc sống.

Nâng cao hiệu quả giám sát sẽ phục vụ tốt công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ

Về việc thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2006, đa số các đại biểu cho rằng, việc triển khai thực hiện chương trình giám sát năm 2006 đã có nhiều sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là chất lượng, hiệu quả giám sát tiếp tục được nâng lên. Riêng báo cáo giám sát đã nêu rõ những vấn đề trọng tâm, đưa ra được những kết luận xác đáng, góp phần vào việc quyết định các chính sách, xây dựng pháp luật và điều chỉnh công tác chỉ đạo điều hành.

Tuy nhiên, theo các đại biểu thì hoạt động giám sát vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế. Đại biểu Huỳnh Văn Tý (đoàn Bình Thuận), Trần Kim Mai (đoàn Tiền Giang), Trương Thị Mai (đoàn Trà Vinh) và nhiều đại biểu cho rằng, cách thức tổ chức giám sát, xem xét các báo cáo kết quả giám sát chưa được cải tiến. Việc theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát thực hiện chưa thường xuyên, liên tục. Các đại biểu đề nghị, ngoài việc giám sát theo chương trình của Quốc hội, cần đưa các vấn đề đang còn nhiều bức xúc trong nhân dân vào chương trình giám sát, như: giám sát đảm bảo an toàn trật tự giao thông, giám sát việc giải quyết đơn thư tố cáo...

Về việc theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát, đại biểu Huỳnh Văn Tý (đoàn Bình Thuận) có ý kiến bổ sung một nội dung chương trình giám sát của Quốc hội. Theo đại biểu, nếu cơ quan giám sát nào chưa giải quyết được các dứt điểm, kiến nghị thì phải báo cáo rõ nguyên nhân vì sao và thực trạng giám sát đến đâu. Đại biểu Huỳnh Văn Tý cũng đề nghị, Chương tình giám sát năm 2007 cần tập trung đi sâu giám sát việc chấp hành luật khiếu nại tố cáo.

(Theo website Chính phủ)