Vì sao nhiều nghị định bị nợ?

06/11/2006
Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều nghị định bị nợ như hiện nay, ông Trần Quốc Thuận - Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội cho biết:
- Mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nhiều quy định rất tiến bộ trong quy trình xây dựng luật, tuy nhiên, các quy định này chưa được thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng luật cũng như công tác giám sát của Quốc hội (Quốc hội) vẫn còn bất cập.

Giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn bỏ ngỏ

* Thưa ông, nhiều nghị định hướng dẫn thi hành luật hiện nay bị chậm, cho đến nay chúng ta mới biết hay điều này đã tồn tại từ lâu?

- Thực tế này đã tồn tại thời gian dài. Nhưng, kể từ năm 2004, trước yêu cầu phải rà soát hệ thống pháp luật thì mới đây, số liệu này mới được công bố chính thức.

* Quốc hội là cơ quan ban hành luật và giao cho Chính phủ hướng dẫn, ông đánh giá thế nào về hoạt động giám sát của Quốc hội trong việc xây dựng pháp luật?

- Với tư cách là người gần 13 năm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, phục vụ các hoạt động của Quốc hội, tôi nhận thấy Quốc hội khóa XI này có nhiều hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong Hiến pháp, pháp luật, đáp ứng phần lớn mong đợi của Đảng, của dân.

Quốc hội khóa 11 nổi bật trên hai nhiệm vụ là giám sát và xây dựng pháp luật. Công tác giám sát được đánh giá là rất sôi nổi, hào hứng. Tuy nhiên, việc tổ chức các đoàn giám sát còn mang tính hình thức. Cụ thể là khi xuống địa phương, thường mỗi tỉnh đoàn chỉ dành có một ngày làm việc thì không hiểu sẽ giám sát được những vấn đề gì(?).

Trong khi đó, những lĩnh vực quan trọng như vấn đề ngân sách, với thu chi hàng trăm ngàn tỷ đồng, vấn đề ban hành văn bản quy phạm pháp luật... thì không thấy giám sát nếu có thì cũng không đáng kể.

Có thể nói. các cơ quan của Quốc hội đã mất nhiều thì giờ cho giám sát những việc cụ thể như các vụ việc con trâu, con bò, cái nhà, miếng đất... Cần phải nói thêm là nếu làm như vậy không khéo sẽ biến Quốc hội thành cơ quan xét xử.

Về giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, sau khi ban hành luật xong, Quốc hội giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện. Chính phủ hướng dẫn như thế nào, điều này cần phải được đặt trong sự giám sát của Quốc hội.

Nhưng công việc đó đang bỏ ngỏ, gần như bị "bỏ quên". Đồng ý rằng giám sát một số vụ việc cụ thể đôi khi cần, nhưng việc ban hành văn bản pháp luật liên quan đến hàng triệu con người, nói rộng ra là liên quan đến lợi ích của cả đất nước thì lại bị "bỏ quên", đây là điều mà Đảng không mong, dân không muốn.

Đó là trách nhiệm của Quốc hội và Chính phủ

* Thưa ông, với số nghị định còn "nợ" hiện nay, đây là trách nhiệm của riêng Chính phủ?

- Trách nhiệm này không chỉ thuộc về Chính phủ mà còn có trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, của Quốc hội. Số luật được ban hành tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI cao gấp khoảng 2-3 lần so với nhiệm kỳ trước. Đó cũng là dấu hiệu mừng cho thấy các quan hệ xã hội lần lượt được pháp luật điều chỉnh. Đủ thì chưa thể nói là đủ nhưng có thể coi là tương đối. Tuy nhiên cũng có nhiều nhược điểm, trong đó có nhược điểm mà nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nói đó là tình trạng "luật khung", "luật ống". Đây là điều mà lòng dân không mong. Tình trạng dồn xuống này đã khiến Chính phủ phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thì luật mới đi vào cuộc sống.

* Nhưng chúng ta đã có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý, phải chăng tình trạng "luật khung", "luật ống" là do Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có vấn đề hay là do việc thực hiện?

- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định điều luật nào mà phải chờ hướng dẫn thi hành thì phải ghi thẳng vào điều luật đó. Còn các điều luật khác, khi luật có hiệu lực thì đương nhiên được thi hành không cần hướng dẫn. Nhưng trên thực tế hầu hết các dự thảo luật trình ra cơ quan thẩm tra, UBTV Quốc hội, Quốc hội đều không thực hiện quy định này. Do đó, luật ra đời dẫn đến tình trạng "treo". Luật chờ nghị định, nghị định lại chờ thông tư.

Mặt khác, theo đúng quy định thì khi trình dự án luật, cơ quan soạn thảo phải trình theo dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành để Quốc hội có cơ sở giám sát. Nếu không trình dự thảo nghị định thì có thể dẫn đến tình trạng Chính phủ hướng dẫn theo suy nghĩ của mình. Điều này cho thấy các cơ quan điều hành không tuân thủ các quy định do mình ban hành trong quá trình ban hành luật.

Đây mới là việc tuân thủ quy trình xây dựng luật, chưa kể đến việc trong khi xây dựng luật, để bảo đảm số lượng, thì những cái khó Quốc hội lại giao cho Chính phủ hướng dẫn. Điều này là bất hợp lý.

* Trước khi một luật được Quốc hội thông qua, chúng ta đều có một khoảng thời gian để lấy ý kiến, phải chăng những ý kiến đó không đủ để giải quyết ngay những "cái khó" trong luật mà cứ nhất thiết phải chờ Chính phủ hướng dẫn?

- Về chế định lấy ý kiến trong quá trình xây dựng luật cũng thể hiện sự hạn chế trong thực thi. Luật quy định những đối tượng nào bị điều chỉnh bởi luật nào thì khi xây dựng luật đó phải lấy ý kiến các đối tượng bị điều chỉnh. Công việc này chúng ta có làm, nhưng trên thực tế chỉ mang tính hình thức. Trong quá trình lấy ý kiến, khi báo chí vẫn đang đăng tải thì trên đây đã chủ trì, tổ chức tiếp thu rồi...

Cũng phải nói thêm việc tiếp thu ý kiến còn bị xen lẫn vào đó ý chí chủ quan. Đó là khi ý kiến nào trúng ý với mình thì viết ra là "đa số nhiều ý kiến thế này...", nếu ý kiến nào không phù hợp, trái với ý kiến của mình thì viết là "một số ý kiến, có ý kiến thế kia..."... để bác bỏ ý kiến đó đi. Cách nói đó không có định lượng để xác định, không có cái gì rõ ràng. Chưa hẳn những ý kiến thiểu số, chưa phù hợp, thậm chí trái với ý kiến của mình là không đúng.

* Theo ông, chúng ta phải làm thế nào?

- Chúng ta phải tôn trọng tất cả các ý kiến của những người góp ý trước hết là người có quyền lợi liên quan. Ý kiến của họ phải được tập hợp lại và phải được trả lời, đối thoại làm sáng tỏ từng vấn đề một. Từ đó mới có được một luật tốt, có tính khả thi mới thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Nhiều nội dung sẽ được giải quyết ngay từ trong luật và không phải chờ Chính phủ ban hành văn bản hưởng dẫn.

(Theo Pháp luật Việt Nam)