Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng: Không cho phép đùa giỡn về an ninh hàng không

09/10/2006
Gần đây, tình trạng một số hành khách liên tục có những hành vi "doạ bom" trên một số chuyến bay đã làm cho ngành hàng không phải gánh chịu nhiều thiệt hại cũng như gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng đối với hành khách. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam vừa hoàn tất dự thảo "Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng" trong đó quy định rõ mức xử phạt cụ thể đối với nhiều hành vi đe dọa đến an ninh hàng không.

Đe dọa "có bom" trên máy bay sẽ bị xử phạt 20 triệu đồng

Ôngg Nguyễn Trọng Thắng - Chánh Thanh tra Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cho biết: Liên quan đến nhóm hành vi an ninh hàng không mà cụ thể là hành vi dọa bom trên máy bay, những quy định trước đây rất chung chung, thiếu cụ thể thì tại dự thảo Nghị định này quy định hết sức chặt chẽ và cụ thể. Đây cũng chỉ là một trong số những hành vi "cung cấp các thông tin sai có thể gây uy hiếp đến an toàn bay". Theo đó sẽ phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin sai có thể gây uy hiếp an toàn bay khi tàu bay đang bay. Trong trường hợp hành vi cung cấp thông tin sai có thể uy hiếp đến an toàn bay khi tàu bay đang trên mặt đất, mức xử phạt là từ 5 - 10 triệu đồng. Thông tin sai ở đây được hiểu là những thông tin người tung tin đó chưa rõ nguồn gốc, nội dung và độ xác thực nhưng vẫn tung tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến an ninh hàng không.

Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định này, nhiều hành vi vi phạm đến an ninh hàng không được quy định xử phạt rất chặt chẽ. Thí dụ như hành vi đưa vũ khí, đạn dược, chất cháy, chất nổ, chất phóng xạ lên tàu bay và các khu vực hạn chế trái quy định; xâm nhập trái phép vào tàu bay, cảng hàng không, sân bay, công trình trang thiết bị hàng không dân dụng... Mức xử phạt các hành vi này được quy định rất cụ thể, trong đó cao nhất có thể bị xử phạt tới 50 triệu đồng.

Dự thảo Nghị định cũng quy định mức xử phạt đối với hành vi của các nhà vận chuyển. Cụ thể trong trường hợp hành khách bị chậm chuyến, hủy chuyến do lỗi của các hãng hàng không (vi phạm nguyên tắc kinh doanh đặt giữ chỗ bằng máy tính) thì các hãng hàng không sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng. Đồng thời nếu hãng hàng không không mua bảo hiểm dân sự cho hành khách, hành lý, hàng hóa hoặc mua không đến giới hạn trách nhiệm quy định thì cũng bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Tăng cường thẩm quyền xử phạt các vi phạm

Về thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm, so với quy định trước đây, dự thảo Nghị định này bổ sung thêm quy định về thẩm quyền xử phạt của Chánh thanh tra GTVT, Chánh thanh tra Hàng không dân dụng Việt Nam, Thanh tra viên hàng không dân dụng; thẩm quyền xử phạt của Giám đốc Cảng vụ. Theo ông Nguyễn Trọng Thắng việc bổ sung các thẩm quyền xử phạt nhằm đảm bảo tính kịp thời răn đe, xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Theo quy định đó, thanh tra viên hàng không, Chánh thanh tra hàng không, Chánh thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải, Giám đốc Cảng vụ Hàng không có quyền xử phạt các hành vi vi phạm với mức phạt từ 200 nghìn đồng đến 100 triệu đồng.

Theo Công an nhân dân